Ảnh minh họa
Thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng nóng, xuất hiện một số hiện tượng huy động vốn trái phiếu chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Do đó, để thị trường tiếp tục phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường công tác quản lý, giám sát.
Bộ Tài chính đã tiến hành đánh giá tình hình thị trường thời gian qua để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Dự thảo nghị định đang được gửi lấy ý kiến các chuyên gia tư vấn, các thành viên thị trường và lấy ý kiến rộng rãi công chúng từ ngày 9/12/2021.
Theo Bộ Tài chính, dự thảo sẽ sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.
Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Cùng với đó, dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành.
Bên cạnh đó, cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch Bộ Tài chính phát hành riêng lẻ.
Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, tăng cường quản lý, giám sát đối với các trái phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp;
Mặt khác, dự thảo cũng sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin nhằm khắc phục những bất cập thời gian vừa qua, đồng thời tăng cường tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường việc quản lý, giám sát, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, các tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.
Theo báo cáo vừa công bố của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 11/2021, bất động sản tiếp tục là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp với 8.476 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành của tháng. Trong đó có khoảng 59% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.
Ngân hàng là nhóm ngành xếp thứ 2 về tổng giá trị phát hành với 7.950 tỷ đồng, chiếm 39% tổng giá trị phát hành trong tháng 11.
Lũy kế 11 tháng đã có tổng cộng 826 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 495 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 803 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 468.85 nghìn tỷ đồng (chiếm 95% tổng giá trị phát hành), 23 đợt phát hành ra công chúng giá trị 26,34 nghìn tỷ (chiếm khoảng 5% tổng giá trị phát hành) và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1.425 tỷ USD.
Trong 11 tháng qua, nhóm bất động sản tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 187.16 nghìn tỷ đồng, chiếm 38%. Trong đó có khoảng có khoảng 30% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 4,5-13%/năm.
Hậu Lộc - TTTĐ