Xem nhiều

Những mũi chỉ inox và ý chí của người chiến sĩ bị tù đày ở Phú Quốc

27/07/2018 18:08

Kinhte&Xahoi Vì muốn xem “gan to đến đâu”, cai ngục nhà tù Phú Quốc đã mổ bụng chiến sĩ Trần Huy Mộc, sau đó khâu lại bằng 17 mũi chỉ inox để tù binh phải chết dần, chết mòn trong đau đớn.

Trong một dịp cùng đoàn cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đi sưu tầm hiện vật của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày, chúng tôi tìm đến gia đình anh Trần Huy Hương (xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) và được nghe kể những câu chuyện rất xúc động. Nhân dịp kỷ niệm ngày 71 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018), chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc câu chuyện xúc động này.

Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ mới được tu sửa, anh Trần Huy Hương cùng với những người trong gia đình với đôi mắt đỏ hoe xúc động kể lại cuộc đời của bố mình. Đó là ông Trần Huy Mộc sinh năm 1949 tại thôn Quý Cao, xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, nhập ngũ tháng 12/1967, là chiến sĩ thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Tỉnh đội Hải Dương. Tháng 3/1968, ông biên chế thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 140, Mặt trận Quảng Đà.

Di ảnh ông Trần Huy Mộc.

Tháng 11/1969, khi đang thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vải về căn cứ may quần áo cho bộ đội thì ông bị địch phát hiện và bắt giữ. Đến tháng 11/1969, chúng giam giữ ông tại nhà tù Phú Quốc, trại giam lớn nhất của Mỹ, Ngụy. Sự tàn bạo, dã man ở nơi này hơn hẳn các nhà tù khác.

Ông Mộc bị chúng tra tấn đủ loại hình tàn khốc nhất. Đánh bằng dùi cui, roi điện, “đi máy bay, tàu ngầm”, đóng đinh, chôn sống, nướng trên lửa, bỏ vào thùng phuy đầy nước rồi dùng báng súng gõ vào thùng cho đến khi hộc máu mũi, thủng màng nhĩ. Chưa hết, từ sĩ quan đến binh lính Ngụy ngang nhiên ăn chặn thức ăn của tù binh, khiến tù binh khốn khổ, đói và chết dần mòn.

Trong suốt thời gian bị giam cầm ở nhà tù, địch đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn vô cùng dã man nhằm khai thác thông tin, nhưng với bản lĩnh kiên cường, dũng cảm, ông Trần Huy Mộc kiên quyết không khai báo dù cho địch tra tấn khiến cho ông chết đi sống lại nhiều lần.

Ngước nhìn di ảnh của người bố, anh Hương nghẹn ngào: “Năm 1969, gia đình nhận được giấy báo tử nên tưởng rằng ông đã hy sinh. Đến tháng 3/1974, bố tôi trở về với chằng chịt vết thương trên người, nhất là 17 vết khâu bằng inox”.

Những sợi chỉ inox bị địch khâu bụng khi ông Mộc bị giam ở Phú Quốc.

Khi ông Trần Huy Mộc còn sống, anh Hương thường đưa bố đi gặp các đồng đội cũ và được nghe kể lại câu chuyện khi ông bị địch bắt. Anh nói: “Bọn địch dùng đủ loại hình tra tấn, đánh đập tàn bạo nhưng bố nhất quyết không khai báo. Thế rồi chúng hỏi: Quê mày ở đâu? Bố tôi nói: Nguyên Giáp. Tức là xã Nguyên Giáp ở quê tôi. Bọn địch cho rằng bố tôi đã lấy tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra để dọa bọn chúng nên đòi mổ bụng ông với mục đích xem gan mày to đến đâu mà vác Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra dọa. Chúng dùng báng súng đánh vào đầu khiến bố ngất đi. Rồi mấy tên Mỹ dùng dao rạch bụng, sau đó lính Ngụy dùng sợi inox khâu bụng lại. Khi tỉnh lại, bố tôi đã thấy trên bụng có 17 mũi khâu, mỗi mũi cách nhau 1cm”.

Ban đầu những vết khâu sưng lên làm ông liên tục phải sống trong cảnh đau đớn. Sau một thời gian thì vết thương có phần lành hơn. Thấy ông Mộc vẫn sống, bọn địch lại tiếp tục đánh đập, thậm chí chúng nhắm vào bụng ông để những sợi chỉ kim loại sắc cạnh cứa rách da thịt.

“Có những lần bố tôi ngất đi, bọn chúng tưởng bố tôi đã chết nên chúng định quăng xác đi. May mắn là ông vẫn còn chịu đựng được” - anh Hương nói. Kể đến đây, anh Hương không ngừng được hai dòng nước mắt, anh nói tiếp: “Nghe các bác là đồng đội của bố nói rằng bọn chúng làm như vậy là muốn thử nghiệm loại hình tra tấn mới để khiến tù binh không chết ngay mà phải chịu cảnh đau đớn hành hạ mỗi ngày do vết thương hoại tử. Khi không chịu nổi, tù binh buộc phải khai thông tin”.

Tuy phải chịu cảnh tra tấn tàn bạo như vậy, nhưng người chiến sĩ cách mạng ấy vẫn kiên cường, bất khuất, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi còn hơi thở là còn phải chiến đấu.

Tháng 3/1973, ông Trần Huy Mộc được trao trả theo các điều khoản của Hiệp định Paris (27/1/1973). Là một trong những chiến sĩ cách mạng bị tàn phế nặng nề do phải chịu nhiều đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù nên ông được đưa về Nhà an dưỡng tỉnh Tuyên Quang để điều trị các vết thương. Tháng 3/1974, ông Trần Huy Mộc là thương binh hạng 4/4 được xuất ngũ về sinh sống tại quê nhà.

Đoàn cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang xác định hiện vật.

Anh Hương nói tiếp: “Bố tôi bị di chứng nặng nề bởi những đòn tra tấn của kẻ thù, nhất là những vết khâu bằng chỉ inox hành hạ mỗi khi trái gió trở trời khiến cuộc sống đời thường rất khó khăn. Có những ngày tháng quá đau đớn, thần trí không ổn định, ông từng nhiều lần bỏ đi. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, mẹ cũng ốm yếu thường xuyên, anh em chúng tôi phải nhờ người dân quanh làng xã đi tìm kiếm thì thấy ông nằm lang bạt dọc đường”.

Những ngày mới trở về sinh sống tại quê nhà, gia cảnh vô cùng khốn khó, ông Mộc phải đi mò cua, bắt ốc sống qua ngày. Trong một lần do ngâm nước ao quá lâu, vết khâu bị lở loét, mưng mủ, ông được đưa đi trạm y tế xã và tháo được 2 mũi khâu. Năm 1987, ngôi nhà mái rạ nghèo nàn bị cháy làm mất hai mũi khâu và giấy báo tử của ông. Đến tháng 12/2011, do tuổi cao, sức yếu, lại bị vết thương tái phát thường xuyên, ông Trần Huy Mộc đã qua đời.

Ngày 5/8/2008, Báo Quân đội nhân dân đăng bài “Dù chết không đổi tên quê” của tác giả Phạm Xưởng kể về câu chuyện người thương binh anh dũng, trung kiên Trần Huy Mộc dù bị tra tấn dã man trong tù vẫn không đổi tên quê hương xã Nguyên Giáp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đọc bài báo đã rất quan tâm đến thương binh Trần Huy Mộc. Ngày 8/12/2008, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký tặng ông Trần Huy Mộc cuốn sách “Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng”.

Cuốn sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng thương binh Trần Huy Mộc.

Vào dịp Tết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã gửi Thiếp chúc Tết đến gia đình ông Trần Huy Mộc. Thực hiện tâm nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được sự ủy quyền của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiều ngày 8/1/2017, anh chị em CLB Thế hệ trẻ họ Vũ - Võ Việt Nam đã đến dâng hương và trao kỷ vật của Đại tướng cho ông Trần Huy Mộc tại thôn Quý Cao, xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương.

Anh chị em CLB Thế hệ trẻ họ Vũ - Võ Việt Nam trao di vật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho gia đình ông Trần Huy Mộc.

Ông Trần Huy Bảy, em ruột của ông Trần Huy Mộc xúc động chia sẻ: “Tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình cùng anh chị em trong dòng họ Vũ - Võ dành cho anh Mộc tôi và gia đình vô cùng quý giá không có gì bằng được. Mọi người trong gia đình rất cảm động không biết thể nói lên lời, chỉ biết ghi nhận trong lòng. Đó là kỳ duyên được Cụ Giáp và gia đình cùng mọi người dành cho. Vô cùng thiêng liêng và quý báu!”.

Thời gian qua gia đình và đại diện Lãnh đạo chính quyền xã Nguyên Giáp, Từ Kỳ, Hải Dương đã đến nhà riêng và Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp dương hương và cảm ơn sự quan tâm và tình cảm đặc biệt của vị Đại tướng huyền thoại của nhân loại dành cho người lính, người tù Phú Quốc, người thương binh Trần Huy Mộc và xã Nguyên Giáp.

Gia đình ông Trần Huy Mộc và Lãnh đạo xã Nguyên Giáp đến dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.

Tháng 11/2017, mộ phần của ông Trần Huy Mộc được cải táng. Điều thật lạ khi tiến hành bốc mộ, chúng tôi cùng anh Hương và gia đình đã đếm đủ 17 mũi chỉ inox cùng hài cốt của ông Mộc. Tuy nhiên, có 15 mũi ở bụng và 2 mũi ở hai bên xương cánh tay. Như vậy có thể khẳng định những ngày ở Phú Quốc, ông Mộc còn bị cai ngục khâu ở hai bên cánh tay.

Phần mộ ông Trần Huy Mộc.

Với mong muốn lưu giữ, tuyên truyền cho các thế hệ nhằm phát huy giá trị lịch sử về những hiện vật về các chiến sĩ cách mạng bị tù đày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng đã đặt vấn đề sưu tầm 17 mũi chỉ khâu bằng inox và được gia đình chấp thuận. Trao tặng hiện vật cho đoàn cán bộ Bảo tàng, anh Hương xúc động: “Những mũi chỉ này là bằng chứng rõ ràng nhất về tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Gia đình mong muốn Bảo tàng lưu giữ và phát huy giá trị của những hiện vật này nhằm giúp thế hệ hôm nay hiểu rõ hơn quá trình đấu tranh kiến cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng bị tù đày trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Theo Xuân Kiên - Hà Thảo KD&PL

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com