106 quốc gia và vùng lãnh thổ được dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh Nhật Bản

07/04/2022 10:26

Kinhte&Xahoi Từ ngày 8/4, người đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ… sẽ được không bị ràng buộc bởi quy định hạn chế nhập cảnh của Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đã chính thức quyết định dỡ bỏ quy định hạn chế nhập cảnh trước đó được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Du khách tham quan một khu phố tại thủ đô Tokyo

Từ ngày 8/4, người nước ngoài đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ… sẽ được không bị ràng buộc bởi quy định hạn chế nhập cảnh. Ngược lại, 56 quốc gia và vùng lãnh thổ khác thuộc các khu vực Mỹ Latinh, Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi vẫn tiếp tục thuộc diện hạn chế nhập cảnh vào Nhật Bản theo Luật Kiểm soát nhập cư; Bao gồm 40 quốc gia ở Trung Đông và Châu Phi, 10 quốc gia ở Châu Âu và 6 quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh.

Như vậy, các du học sinh và thực tập sinh kỹ năng đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ trên hoàn toàn có thể nhập cảnh vào Nhật Bản sau khi được cấp thị thực thông qua bảo lãnh của doanh nghiệp hoặc trường học.

Tuy nhiên, trên thực tế, do Nhật Bản vẫn giới hạn lượng người nhập cảnh ở mức 10.000 người/ngày (từ ngày 10/4) nên dự kiến trước mắt, số lượng người nhập cảnh chưa thể tăng mạnh đến quốc gia mặt trời mọc.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: AFP)

Ngày 1/4, Nhật Bản cũng đã hạ thấp cảnh báo đi lại tới 106 quốc gia bao gồm Mỹ và Ấn Độ từ cấp độ 3, mức cao thứ hai trên thang 4 điểm, xuống cấp độ 2 - tức là bỏ khuyến cáo công dân Nhật Bản không nên đi du lịch đến đây.

Trước đó, tiểu ban cố vấn y tế của Chính phủ Nhật Bản đã thống nhất điều chỉnh giảm tiêu chí đánh giá mức độ dịch bệnh COVID-19, cơ sở quan trọng để ra quyết định dỡ bỏ hoàn toàn áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại đất nước này.

Các chuyên gia cố vấn y tế hàng đầu Nhật Bản cho rằng tiêu chí cũ để dỡ bỏ áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với một địa phương là giảm về số ca mắc mới và giảm tỷ lệ sử dụng giường bệnh, hiện không còn phù hợp với tình hình thực tế và với chủ trương giảm gánh nặng đối với kinh tế xã hội.

Các tiêu chí mới gồm có số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng nhẹ hoặc chững lại ở mức cao, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh nói chung và áp lực với hệ thống y tế giảm.

Ngoài ra, đối với các sự kiện quy mô lớn tại khu vực đang áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm, nếu diễn ra trật tự (không hò hét cổ vũ) và có kế hoạch phòng dịch chi tiết, sẽ không hạn chế số lượng người tham gia (trước đây là dưới 20.000 người).

Theo ông Shigeru Omi, Trưởng Tiểu ban chuyên gia cố vấn, những điều chỉnh này là cần thiết trên cơ sở đánh giá tác động của việc áp dụng các biện pháp trọng điểm với các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là cơ hội học tập và ảnh hưởng tâm lý của trẻ em.

Còn ông Fumio Ohtake, Giáo sư kinh tế học Đại học Osaka, thành viên của Tiểu ban chuyên gia cố vấn, cho rằng, cần có những quy định linh hoạt trong ứng phó với biến thể Omicron theo từng đối tượng.

Thói quen đeo khẩu trang giúp hạn chế lây lan bệnh dịch ở Nhật Bản

Nguy cơ chuyển nặng ở đối tượng là người cao tuổi hoặc mắc bệnh nền là khá cao so với người trẻ nên cần tập trung tăng tỷ lệ tiêm vắc xin mũi thứ ba và sẵn sàng hệ thống điều trị y tế tập trung vào đối tượng này.

Hiện nay, tất cả các bệnh viện ở Nhật Bản đều có nghĩa vụ báo cáo với chính quyền về các ca mắc COVID-19, bao gồm cả những người không có triệu chứng, trong khi chỉ có khoảng 5.000 bệnh viện được yêu cầu thống kê về các ca mắc cúm mùa.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng "giảm nhiệt" ở nhiều địa phương, Chính phủ Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương để theo sát diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới và cân nhắc các biện pháp ứng phó phù hợp trên cơ sở cân bằng với chủ trương duy trì hoạt động kinh tế - xã hội.

 P.V - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/106-quoc-gia-va-vung-lanh-tho-duoc-do-bo-han-che-nhap-canh-nhat-ban-193508.html