23 tỉnh, thành phố cho học sinh đến trường học bình thường

12/10/2021 10:41

Kinhte&Xahoi Theo Bộ GD-ĐT, tính đến hết ngày 8/10, có 23 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đến trường học trực tiếp, 9 tỉnh đang kết hợp giữa dạy trực tuyến và trực tiếp. Cả nước vẫn còn 31 tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì học trực tuyến do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong đó có các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam.

23 tỉnh thành cho học sinh đến trường là: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Định, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hoà Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Quảng Ninh.

Hiện có 9 tỉnh, thành đang áp dụng cả hai hình thức dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Sơn La, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa.  

Còn lại 31 tỉnh, thành phố đang áp dụng dạy học trực tuyến và qua truyền hình, gồm:  An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hậu Giang, Hưng Yên, Kiên Giang, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hà Nam, Bình Thuận, Cà Mau, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh, số học sinh học trực tuyến đạt tỷ lệ khá cao, cấp trung học phổ thông là 99,8%, trung học cơ sở là 97,9%, còn tiểu học là gần 98%. Bậc tiểu học vẫn còn hơn 30.000 em đang còn kẹt ở các tỉnh khác, hơn 26.000 em ở tỉnh nhưng đăng ký học trực tuyến tại các trường, trên 5.000 em chưa có thiết bị đang học tạm tại các trường tiểu học tỉnh, thành phố khác. TP Hồ Chí Minh dự kiến tháng 1/2022 mới cho học sinh đến trường học trực tiếp.


Ảnh minh họa. ảnh VTV

 

Trước đó, huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) đề xuất cho Trường THCS - THPT Thạnh An được dạy học trực tiếp vào ngày 4/10. Trường Tiểu học Thạnh An cũng đã có dự kiến cho học sinh đến học trực tiếp từ ngày 11/10. Tuy nhiên, hôm nay (ngày 11/10)  UBND TP Hồ Chí Minh mới họp và quyết định việc này.

Tại Hà Nội, từ 6/9/2021 tới nay, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 và học viên của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội vẫn duy trì việc học tập trực tuyến. Tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến hằng ngày đạt 100%. Trẻ em mầm non được tạm dừng đến trường. Hà Nội cũng có các kịch bản trình UBND TP Hà Nội về việc đón học sinh trở lại trường khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, đến nay dịch vẫn còn phức tạp nên việc trở lại trường của học sinh vẫn chưa được quyết định.  

Trước đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để triển khai việc dạy và học ứng phó với dịch bệnh, Bộ GD-ĐT đã ban hành các công văn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và cấp THCS, THPT năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, đối với lớp 1, lớp 2, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện nghiên cứu chương trình môn học, các mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa; từ đó xây dựng các chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt.

Đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các nhà trường tổ chức rà soát lại nội dung chương trình, sách giáo khoa, mức độ cần đạt của từng khối lớp đối với các môn học bắt buộc để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, nhất là những địa bàn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đối với lớp 6 thực hiện chương trình giáo dục phồ thông 2018, Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện dạy học theo chương trình, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học/hoạt động giáo dục trong điều kiện phòng, chống Covid-19.

Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006, Bộ GDĐT hướng thực hiện dạy học theo mức độ cần đạt của chương trình và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học.

Đặc biệt, các công văn của Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu không kiểm tra, đánh giá định kì những nội dung, yêu cầu đã được tinh giản, nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu, những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm.

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 quay về địa phương học tập, mới đây Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn gửi các Sở GD-ĐT yêu cầu tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19.

Các Sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường chủ động bố trí xếp lớp cho học sinh học tập theo đúng đối tượng, tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh chuyển đến để kịp thời đáp ứng yêu cầu học tập theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Theo Long Nguyễn - Theo Hòa nhập

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn:https://hoanhap.vn/chi-tiet/nhieu-tinh-thanh-pho-da-cho-hoc-sinh-di-hoc-tro-lai-binh-thuong1633971585.html