3 lý do Hà Nội cho học sinh tiểu học trở lại trường khi chưa tiêm chủng

06/04/2022 19:56

Kinhte&Xahoi Thành phố Hà Nội đã qua đỉnh dịch nên việc học tập trung tại trường sẽ ít nguy cơ lây lan hơn so với giai đoạn trước đây

Chiều 6/4, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế- xã hội quý I/2022. Đồng chí Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND TP; Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông TP chủ trì buổi họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo

3 lý do thành phố cho học sinh đi học lại khi chưa tiêm chủng

 Tại buổi họp báo trả lời câu hỏi của phóng viên về việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường khi thành phố chưa tiêm vắc xin liệu có bảo đảm an toàn hay không, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: Theo thống kê của Sở thì đến nay có hơn 92% học sinh Tiểu học đến trường; Trung THCS là 93,2% và THPT là 96%. Điều đó cho thấy phụ huynh rất đồng thuận trong việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra 3 lý do tham mưu UBND thành phố cho học sinh trở lại trường. Thứ nhất, đến nay thành phố Hà Nội đã qua đỉnh dịch nên việc học tập trung tại trường sẽ ít nguy cơ lây lan hơn so với giai đoạn trước đây. Thứ hai, theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo thì hơn 75% phụ huynh đồng ý cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Thứ ba, thời gian qua các em học sinh học trực tuyến quá lâu và chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa kết thúc năm học, vì thế đây là thời điểm “vàng” để các nhà trường củng cố kiến thức cho học sinh khi học trực tiếp.

Liên quan đến vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, thành phố đã có kế hoạch tiêm vắc xin cho các đối tượng này và đang chờ Bộ Y tế phân giao vắc xin sẽ triển khai ngay. Để bảo đảm an toàn cho học sinh khi học trực tiếp tại trường, Sở Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn liên ngành để các nhà trường có các biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch cho học sinh; đồng thời chỉ đạo các địa phương thành lập Tổ hỗ trợ COVID-19 tại trường học để hỗ trợ nhà trường.

Khuyến cáo người dân khi có biểu hiện ho, sốt không tham gia dịch vụ bar, karaoke..

 Trả lời câu hỏi của phóng viên về lộ trình mở lại các loại hình kinh doanh có điều kiện... Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố thường xuyên theo dõi các thông tin từ thực tế, trong đó có các loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện.

Trong sáng 6/4, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo liên Sở: Y tế, Văn hóa và Thể thao nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất tờ trình về việc mở lại các loại hình kinh doanh có điều kiện.

Đến 17h50 phút, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đã ký văn bản 1011 về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn thành phố.

Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng thông tin tại buổi họp báo

Trong đó, UBND TP yêu cầu rõ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới; Yêu cầu các Sở, ngành, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người dân thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (trong đó thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và khử khuẩn) và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đáng chú ý, Chánh văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng thông tin nội dung quan trọng trong công văn này: "Đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ như: Karaoke, massage, quán bar, trò chơi điện tử Internet được hoạt động trở lại từ 0h00 ngày 8/4/2022 nhưng phải đảm bảo các điều kiện theo quy định, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan; Khuyến cáo khách hàng khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh như họ, sốt, khó thở, mất vị giác... không sử dụng dịch vụ và tham gia các hoạt động tại các địa điểm trên, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn".

UBND TP cũng giao các Sở, ngành: Văn hóa và Thể thao, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công thương, Công an TP... căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước về nội dung chuyên ngành hướng dẫn, tổ chức các hoạt động trên đảm bảo đúng quy định; Tăng cường công tác kiểm tra xử lý các vi phạm phòng, chống dịch.

UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm phối hợp các ngành có liên quan kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nêu trên đủ điều kiện và hướng dẫn, tổ chức các hoạt động nêu trên đảm bảo đúng các quy định pháp luật và an toàn phòng, chống dịch.

"UBND TP quyết định để dư địa thêm 1 ngày để các quận, huyện và cơ sở kinh doanh chuẩn bị tốt nhất, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 khi mở cửa trở lại", Chánh văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng nhấn mạnh.

Hạnh Nguyên- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/3-ly-do-ha-noi-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-tro-lai-truong-khi-chua-tiem-chung-193493.html