88,48% người dân hài lòng khi đi làm thủ tục hành chính

26/05/2022 09:00

Kinhte&Xahoi Đây là thông tin được nêu ra tại Hội nghị Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức hôm nay (25/5).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội nghị.

Người dân mong đợi cải thiện thủ tục hành chính

Theo Bộ Nội vụ, kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức (NDTC) đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (Chỉ số SIPAS 2021) cho thấy, có 3.26% NDTC phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công; việc này xảy ra tại 61/63 tỉnh, thành.

Ngoài ra, có 0.45% NDTC phản ánh bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 0.14% NDTC phản ánh phải nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí trong quá trình giao dịch dịch vụ công. 46/63 tỉnh có NDTC phản ánh bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 22/63 tỉnh có NDTC phản ánh phải trả thêm tiền ngoài phí/lệ phí.

Có 2.85% NDTC không nhận được giấy hẹn trả kết quả dịch vụ và tình trạng này xảy ra ở 25/63 tỉnh. 57/63 tỉnh xảy ra tình trạng trễ hẹn trả kết quả dịch vụ, trong đó chỉ có 4/57 tỉnh thực hiện thông báo cho NDTC về việc trễ hẹn và cũng 4/57 tỉnh đã thực hiện xin lỗi NDTC về việc trễ hẹn.

Theo đánh giá của của Bộ Nội vụ, Chỉ số hài lòng chung về tiếp cận dịch vụ là 88.66%; Chỉ số hài lòng chung về thủ tục hành chính là 88.48%. Các tỉnh có chỉ số hài lòng cao ở nhóm đầu (từ 90% trở lên) gồm 8 tỉnh, đứng đầu là Quảng Ninh (94,07%); Hải Phòng (93,38%), Hưng Yên (92,07%)…

Ba nội dung mà NDTC mong đợi các cơ quan hành chính Nhà nước cải thiện nhiều nhất là: Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, với 54,02% NDTC mong đợi; Rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, với 51.89% mong đợi; Tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính, với 47.26% mong đợi.

Như vậy, mặc dù yếu tố thủ tục hành chính nhận được sự hài lòng của NDTC cao thứ 2 trong số 5 yếu tố được đánh giá, nhưng 2 nội dung mà NDTC mong đợi được cơ quan hành chính Nhà nước cải thiện nhiều nhất đều thuộc yếu thủ tục hành chính.

Tập trung cao hơn nữa cải cách thể chế, chính sách

Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ khẳng định, thực tiễn chứng minh, các chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính và chỉ số CCHC đã thực sự trở thành công cụ quản lý hiệu quả tiến trình CCHC, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức, nhận diện rõ những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế của nền hành chính nói chung, của quá trình triển khai nhiệm vụ CCHC hàng năm của bộ, ngành, địa phương nói riêng.

Qua đó cũng khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong thực hiện CCHC nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, kết quả Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAR INDEX năm 2021 đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trên tất cả các lĩnh vực, từ chỉ đạo điều hành, đến cải cách thể chế, thủ tục hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách công vụ, công chức và xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử chưa đạt như mong muốn.

Quang cảnh Hội nghị.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nhất là nguyên nhân của những tồn tại, bất cập, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan và xây dựng các giải pháp, cách thức khắc phục.

Đồng thời, tập trung cao hơn nữa cải cách thể chế, chính sách; nhất là trách nhiệm các bộ, ngành trong hoàn thiện thể chế, nhằm khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi.

Hoàn thiện thể chế về đất đai, kinh doanh, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức, tăng cường phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước gắn với đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là tạo ra bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp, bãi bỏ các thủ tục hành chính đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của Chính phủ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các bộ, cơ quan, địa phương.

 

 Vân Thanh - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/8848-nguoi-dan-hai-long-khi-di-lam-thu-tuc-hanh-chinh-d182604.html