Ai đã "hóa phép" dự án Hà Nội Center Point biến đất công cộng thành cao ốc 32 tầng?

27/06/2022 07:28

Kinhte&Xahoi Dự án Hà Nội Center Point do Hacinco làm chủ đầu tư được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt sai phạm.

Dự án trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở để bán tại ô đất 3.7-CC (Hà Nội Center Point) do Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) làm chủ đầu tư, có vị trí đắc địa nằm ở ngã tư đường Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy (Hà Nội).

Theo tìm hiểu, ngoài khối tầng căn hộ đã có người ở từ nhiều năm nay, diện tích các tầng thương mại cũng đang hoạt động kinh doanh sầm uất. Đáng chú ý, mới Thanh tra Bộ Xây dựng mới đây đã ban hành kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr và chỉ ra hàng loạt vi phạm tại Dự án nêu trên.

Dự án Hà Nội Center Point nằm sát một loạt cao ốc trên tuyến đường Lê Văn Lương.

Từ đất công cộng trở thành cao ốc

Vào ngày 21/5/2004, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 3153 lựa chọn nhà đầu tư, cho chỉ tiêu ô đất 3.7-CC là nhà ở cho thuê, mật độ xây dựng 26,8%, tầng cao 15 – 17 - 21 tầng.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc có tờ trình số 563 ngày 13/10/2008, UBND TP Hà Nội chấp thuận quy hoạch định hướng tại Văn bản số 3362/UBND-GT năm 2008 đã tiếp tục điều chỉnh ô đất 3.7-CC nhà ở cho thuê, tầng cao 15-17-21 tầng thành nhà ở 15-25 tầng (tòa 15 tầng đã xây dựng)

Theo Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, đây là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 29 Nghị định 08/2005 của Chính phủ, khoản 3 Phần 6 Thông tư 07/2008 của Bộ Xây dựng. 

Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều sai phạm tại Dự án.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc cấp Giấy phép quy hoạch (GPQH) số 213/GPQH ngày 30/8/2012 và có Văn bản số 3919/QHKT-TMB-PAKT(P2) ngày 31/8/2015, chấp thuận tổng mặt bằng (TMB), phương án kiến trúc (PAKT) đã điều chỉnh ô đất 3.7-CC từ nhà ở thành hỗn hợp (văn phòng dịch vụ và nhà cho thuê), tăng mật độ xây dựng từ 26,8% thành 52%, tăng tầng cao từ 25 tầng thành 32 tầng là điều chỉnh không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; làm phát sinh tăng thêm dân số, vi phạm Điều 52 Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận, UBND TP Hà Nội 1 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 1 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật, đã điều chỉnh từ đất công cộng thành phố thành nhà ở cho thuê, thành nhà ở, rồi thành hỗn hợp (văn phòng dịch vụ và nhà cho thuê), mật độ xây dựng từ 26% thành 52%, tầng cao từ 15 tầng thành 32 tầng, làm tăng thêm dân số khoảng 1.060 người.  

"Trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm", Kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ.

Chủ đầu tư xây dựng sai GPXD

Về Giấy phép xây dựng (GPXD) số 23/GPXD ngày 15/4/2016 do Sở Xây dựng cấp, ghi: Hệ số sử dụng đất, màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng theo TMB, PAKT được Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác nhận tại Văn bản 1608/QHKT P4 ngày 7/5/2014, nhưng Văn bản 1608/QHKT-P4 không có các nội dung này nên không có cơ sở cho việc triển khai xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng.

Hà Nội Center Point được điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng tầng cao, tăng mật độ xây dựng, tăng dân số.

Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng và đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Ngoài ra, về quản lý thực hiện xây dựng theo quy hoạch được duyệt, theo giấy phép xây dựng, kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, chủ đầu tư xây dựng sai giấy phép xây dựng, vi phạm điểm d khoản 2 Điều 106, khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng 2014.

Cụ thể: Tại vị trí trục Y11, lắp dựng thêm 01 thang máy từ tầng 1 lên tầng 3; thay đổi vị trí phòng Ban quản trị tầng 1 từ trục X6-X7 sang trục X5A-X6.

Chủ đầu tư xây dựng sai phương án kiến trúc được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận tại Văn bản số 4370/QHKT-TMB-PAKT (P2) ngày 9/8/2016, vi phạm Khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng 2014. Cụ thể: Tại vị trí sảnh trục Y13 Trung tâm thương mại theo quy hoạch là sân vườn, cây xanh, thực tế lắp dựng khung thép mái kính để kinh doanh, diện tích khoảng 120m2. 

Về vi phạm trên, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Chủ đầu tư cần báo cáo vi phạm xảy ra sau khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, đề nghị UBND quận Thanh Xuân kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 

 Lê Hải - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/ai-da-hoa-phep-du-an-ha-noi-center-point-bien-dat-cong-cong-thanh-cao-oc-32-tang-d184507.html