Bắc Giang: Vải thiều Lục Ngạn trong vùng giãn cách xã hội được tiêu thụ như thế nào?

23/06/2021 20:15

Kinhte&Xahoi 12 xã của huyện Lục Ngạn đang thực hiện giãn cách xã hội, người dân không đưa vải ra điểm cân tiêu thụ được dẫn đến sản lượng vải tiêu thụ trên địa bàn huyện giảm sút nhiều, chỉ còn 50% sản lượng so với tuần trước.

Sản lượng tiêu thụ toàn tỉnh đạt khoảng 87%

Chiều tối 23/6, trao đổi với Kinh tế&Đô thị, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, tính đến ngày hôm nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 165.000 tấn vải thiều, đạt 86,9% dự kiến tổng sản lượng.

Trong đó, một số huyện cơ bản hoàn thành thu hoạch và tiêu thụ vải thiều như Tân Yên (15.500 tấn), Lạng Giang (hơn 5.400 tấn), Yên Thế (8.800 tấn), Lục Nam (hơn 30.800 tấn). Diện tích vải thiều chưa thu hoạch còn lại tập trung ở các huyện Lục Ngạn (hiện tiêu thụ đạt hơn 96.100 tấn, tỷ lệ 80,1% tổng sản lượng), Sơn Động (hiện tiêu thụ đạt 8.400 tấn, tỷ lệ 90,3%).

 Do thực hiện giãn cách xã hội, việc tiêu thụ vải tại một số địa phương trên địa bàn huyện Lục Ngạn gặp khó khăn. Ảnh: Ngọc Hưng

Sản lượng vải thiều được tiêu thụ chủ yếu trong nước với hơn 98.300 tấn (tỷ lệ 59,6%), còn lại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, các nước Đông Nam Á (Lào, Campuchia, Singapore, Malaysia), Australia và thị trường EU. Trong số thị trường nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc với hơn 62.300 tấn, tiếp đến là Nhật Bản với 188 tấn.

Theo thống kê của Sở Công Thương, giá tiêu thụ vải thiều Bắc Giang bình quân dao động từ 11.000 – 24.000 đồng/kg. Giá thu mua vải thiều tại các vườn sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là 25.000 – 28.000 đồng/kg. Giá vải thiều sấy khô dao động từ 45.000 – 55.000 đồng/kg.

Hiện toàn tỉnh Bắc Giang đang duy trì 270 điểm cân cố định và 3.942 lò sấy, trong đó riêng tại huyện Lục Ngạn là 3.027 lò. Đáng chú ý, do ảnh hưởng của thời tiết trong đêm 22, sáng 23/6 tại huyện Sơn Động có mưa, việc thu hoạch vải gặp khó khăn hơn dẫn đến sản lượng tiêu thu vải ngày hôm nay giảm hơn so với những ngày trước, chỉ đạt 30%.

Thiếu lao động thu hái, sấy vải tại vùng giãn cách xã hội

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, khó khăn hiện nay là một số xã của huyện Lục Ngạn bị cách ly, người dân không đưa vải ra điểm cân tiêu thụ được, điểm cân cũng không thể đi vào khu cách ly để cân vải. Thực tế này dẫn đến sản lượng vải tiêu thụ trên địa bàn huyện giảm sút nhiều, chỉ còn 50% sản lượng vải thiều tiêu thụ so với tuần trước.

Bên cạnh đó, vải tiêu thụ vào thị trường miền Nam bị sụt giảm chung do tình hình dịch Covid-19, các điểm cân lớn đã dừng hoạt động, chỉ còn điểm cân nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trong ngày 23/6, sản lượng vải thiều tiêu thụ vào thị trường miền Nam đạt 330 tấn.

Một khó khăn nữa là hiện nay lao động phổ thông thu hái vải, công nhân tại các điểm thu mua vải chủ yếu là người địa phương. Trong khi đó, một lượng lớn công nhân ở tuổi lao động hiện đang ở các khu cách ly tập trung nên lao động thu hái vải đang rất thiếu.

Ngoài ra, do tình hình tiêu thụ vải tươi gặp nhiều khó khăn nên số vải chín được dùng sấy khô, số lò sấy đi vào hoạt động đã tăng hơn nhiều những ngày trước. Hiện, bên cạnh khoanh vùng một số xã, huyện Lục Ngạn đã triển khai test nhanh Covid-19 cho lái xe và người thu mua vải thiều tại chốt kiểm soát số 1 trên Quốc lộ 31, trước khi vào huyện thu mua vải. Vì vậy, sản lượng tiêu thụ vải thiều của huyện Lục Ngạn vẫn đạt trên 4.000 tấn/ngày.

 Các xã, thị trấn nằm trong vùng giãn cách xã hội thực hiện phương án sấy khô vải thiều. Ảnh: Đức Thọ

Được biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND huyện Lục Ngạn đã triển khai phương án thực hiện các biện pháp hỗ trợ Nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều trong tình hình tạm thời áp dụng biện pháp khoanh vùng, giãn cách xã hội.

Theo đó, tại 12 xã: Quý Sơn, Mỹ An, Tân Mộc, Tân Lập, Đèo Gia, Phượng Sơn, Nam Dương, Trù Hựu, Kiên Thành, Kiên Lao, Thanh Hải và thị trấn Chũ đang thực hiện biện pháp giãn cách xã hội thực hiện hình thức sấy khô vải; 17 xã còn lại vải thiều vẫn được tiêu thụ theo 2 hình thức: Sấy khô và bán tươi.

Dự kiến, tổng sản lượng vải thiều còn lại của huyện Lục Ngạn còn hơn 20.000 tấn, tổng sản lượng sấy đến hết vụ vải đạt trên 30.800 tấn.

Theo UBND huyện Lục Ngạn, đối với các hộ có lò sấy, tổ chức sấy vải thiều của gia đình mình và các hộ lân cận. Những hộ không có lò sấy mà sản lượng vải còn nhiều, liên hệ với các chủ lò sấy vải lớn để thuê sấy hoặc bán vải tươi cho các lò sấy.

Để bảo đảm an toàn, huyện Lục Ngạn yêu cầu các chủ cơ sở sấy kinh doanh ký cam kết không mua hàng tại điểm kinh doanh mà tiến hành mua vải tại hộ gia đình thông qua giao dịch giữa hộ gia đình và chủ cơ sở kinh doanh. Các chủ cơ sở kinh doanh vải sấy chủ động bố trí phương tiện vận tải đến các hộ gia đình để thu mua, phải đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19; lái xe phải được test Covid-19, tuân thủ các điều kiện về 5K.

Để vận chuyển, tiêu thụ vải thiều khô, huyện Lục Ngạn sẽ thiết lập điểm tập kết trung chuyển. Vị trí địa điểm tập kết của 12 xã, thị trấn phải áp dụng biện pháp khoanh vùng: Quốc lộ 31, giáp ranh giữa xã Hồng Giang và thị trấn Chũ; chốt kiểm soát của huyện tại xã Phượng Sơn. Điểm trung chuyển của huyện: Vị trí Quốc lộ 279, giáp ranh giữa xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn và xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; chốt kiểm soát của huyện tại xã Phượng Sơn.

Các thương nhân thu mua vải thiều thuộc 12 xã, thị trấn phải áp dụng biện pháp khoanh vùng vẫn được tổ chức thu mua tại các điểm khác tại 17 xã còn lại trên cơ sở chấp hành đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.

Thông tin đến phóng viên Kinh tế & Đô thị, một số hộ trồng vải thiều tại vùng thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn huyện Lục Ngạn cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, các hộ gia đình chấp nhận sấy khô để tiêu thụ dần. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là không có nhân công thu hái, sấy vải. Do đó, người dân mong được chính quyền địa phương hỗ trợ về vấn đề này.

 Thiên Tú - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/bac-giang-vai-thieu-luc-ngan-trong-vung-gian-cach-xa-hoi-duoc-tieu-thu-nhu-the-nao-424672.html