Bánh trung thu lậu lại "làm loạn" thị trường

17/08/2022 16:44

Kinhte&Xahoi Thời gian gần đây, lực lượng chức năng trên cả nước liên tục phát hiện và thu giữ các sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Bánh trung thu lậu rục rịch “vào mùa”

 Đến hẹn lại lên, cứ mỗi mùa Trung thu đến là các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp đua nhau ra mắt các sản phẩm bánh kẹo để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp này. Đáng nói, các hành vi sản xuất, buôn bán sản phẩm nhập lậu, chất lượng kém, thậm chí nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng lại rộ lên.

Trong bối cảnh đó, các lực lượng chức năng đã và đang tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường để đảm bảo quyền lợi cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

Thực tế, thời gian qua, lực lượng chức năng trên cả nước đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ các vụ vi phạm về các hành vi sản xuất, buôn bán sản phẩm nhập lậu, thậm chí nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm bánh trung thu.

Mới đây nhất, ngày 15/8, tại Hà Nội, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải tại địa chỉ số nhà 46, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, phát hiện tại cửa hàng đang bày bán hàng hóa là 10.800 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, đựng trong các thùng carton.

Bánh trung thu không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan trên thị trường

Chủ cửa hàng là ông Nguyễn Công Dũng, không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô bánh trung thu, đồng thời khai nhận, gần Tết Trung thu nhu cầu tiêu thụ cao nên ông đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường về phục vụ nhu cầu của người dân.

Trước đó, vào đầu tháng 7, cũng tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh và tạm giữ hơn 5.000 bánh trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Theo lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 24 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời điểm Tết Trung thu cận kề, thị trường bánh trung thu tiêu thụ mạnh, chính vì vậy mà một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn đã nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán nhằm kiếm lời.

Tại Hà Nam, ngày 15/8, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra đối với 2 điểm bán hàng bánh trung thu thời vụ tại Khu công nghiệp Châu Sơn, phường Châu Sơn, TP Phủ Lý, qua đó phát hiện hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cơ quan chức năng đã xử phạt đồng thời buộc các chủ cơ sở tự tiêu hủy 2.711 chiếc bánh trung thu lậu này.

Cơ quan quản lý và người tiêu dùng cùng vào cuộc

 Theo nguồn tin của phóng viên, Tổng cục Quản lý thị trường mới đây đã có Văn bản số 1385/TCQLTT-CNV gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2022.

Lực lượng Quản lý thị trường tăng kiểm kiểm tra, kiểm soát đối với nhóm mặt hàng bánh kẹo phục vụ nhu cầu Tết Trung thu năm 2022

Theo đó, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng này, thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các địa phương chủ động, tăng cường phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát đối với nhóm mặt hàng bánh kẹo phục vụ nhu cầu Tết Trung thu năm 2022, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cơ sở kinh doanh chân chính và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Trong đó, lực lượng Quản lý thị trường sẽ chủ động tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, đặc biệt là các cá nhân, cơ sở kinh doanh, bán online mặt hàng bánh trung thu trên website thương mại điện tử, sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo...) chưa thông báo với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương).

Hiện nay, có tình trạng một số cá nhân đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Đa phần, sản phẩm được rao bán, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán online, nhiều sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm chứa các chất độc hại, không đảm bảo chất lượng.

Theo khuyến cáo của đại diện cơ quan quản lý, về góc độ người tiêu dùng, người dân cần phải trang bị những kỹ năng để lựa chọn được những sản phẩm bánh trung thu bảo đảm chất lượng và an toàn, nên mua tại các địa điểm bán uy tín, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm… tránh mua những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm. Đồng thời, khách hàng không nên mua ở những trang mạng không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể, tránh bị lừa đảo, tiền mất tật mang.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/banh-trung-thu-lau-lai-lam-loan-thi-truong-203734.html