Bảo đảm an toàn cho học sinh

25/11/2021 19:31

Kinhte&Xahoi Thời điểm này, học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã trở lại trường học trực tiếp, sau một thời gian dài học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, công tác phòng, chống tai nạn thương tích, bảo đảm an toàn cho học sinh tiếp tục được ngành Giáo dục Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu.

Đo thân nhiệt cho học sinh lớp 9 tại Trường Trung học cơ sở Hạ Bằng (huyện Thạch Thất). Ảnh: Nguyễn Trang

Tăng cường kết nối gia đình - nhà trường

Toàn thành phố hiện có hơn 2,2 triệu học sinh mầm non, phổ thông, theo học tại hơn 2.800 trường học. Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, ngành Giáo dục Hà Nội luôn xác định, bảo đảm an toàn cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Sao (quận Cầu Giấy) Vũ Ngọc Dự, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, hơn 600 trẻ em của trường nghỉ học tại nhà và được bảo đảm an toàn. Để duy trì kết quả này, nhà trường kết nối chặt chẽ với gia đình của trẻ để cập nhật thông tin, đồng thời lưu ý những vấn đề cần quan tâm trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, như: Rà soát hệ thống điện, bếp ga, các vật sắc nhọn, lan can cầu thang, cửa sổ...

Là một trong 200 trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố cho học sinh lớp 9 trở lại trường học trực tiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chi Đông (huyện Mê Linh) Đỗ Văn Luật cho biết, nhà trường tăng cường kết nối với gia đình học sinh để quản lý, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho các em. Mặt khác, giáo dục học sinh nâng cao ý thức, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để có thể duy trì việc học tập trực tiếp được lâu dài, hiệu quả.

Còn bà Nguyễn Thị Hoa, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) bày tỏ: “Sau sự việc một học sinh tử vong tại nhà khi học trực tuyến, khiến tôi rất lo lắng. Bởi, hằng ngày bố mẹ phải đi làm, khó có thể theo dõi, hỗ trợ con thường xuyên trong lúc học tại nhà. Tôi rất mong các con sớm được đến trường học”.

Nâng ý thức, rèn kỹ năng cho học sinh

Vào đầu năm học mới, dịp nghỉ hè hoặc ở những thời điểm cần thiết, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đều có văn bản nhắc nhở các đơn vị, trường học tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh. Đặc biệt, ngày 8-10-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 226/KH-UBND thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Một số mục tiêu được đề ra tới năm 2030 là giảm 20% số trẻ em bị tử vong do đuối nước; 100% trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn; 100% nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh bị tai nạn...

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh, Kế hoạch số 226/KH-UBND là căn cứ để đơn vị xây dựng kế hoạch dài hơi và tham mưu với UBND quận tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học một cách toàn diện, trong đó có công tác y tế học đường. Một trong những giải pháp quan trọng của quận là tập trung nguồn lực để đầu tư, cải tạo môi trường học bảo đảm an toàn, với mục tiêu có 80-85% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025; đẩy mạnh việc xây bể bơi trong trường học, sẵn sàng tổ chức dạy bơi và các kỹ năng phòng, tránh đuối nước khi học sinh trở lại trường.

Còn cô giáo Đặng Hoàng Hà, chủ nhiệm lớp 2A1, Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Tôi luôn quan sát, theo dõi từng học sinh trong quá trình dạy học trực tuyến; hướng dẫn các em cách sử dụng các thiết bị điện an toàn và những việc cần tránh. Đồng thời, nhắc phụ huynh thường xuyên kiểm tra thiết bị học tập trực tuyến của con...”.

Là đơn vị đặc thù của thành phố, việc tổ chức dạy học trực tiếp của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ba Vì (huyện Ba Vì) đòi hỏi nhiều công việc hơn. Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ba Vì Nguyễn Thành Long thông tin, nhà trường có gần 850 học sinh, trong đó tỷ lệ học sinh nội trú chiếm 70%. Để bảo đảm an toàn khi số lượng học sinh ở nội trú tăng, nhà trường tăng cường rà soát, bố trí các điều kiện sinh hoạt, học tập, nhất là việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, phòng, chống tai nạn thương tích, bảo đảm an toàn cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng để tổ chức dạy học chất lượng, nhất là khi toàn ngành tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với từng cấp độ của dịch. Với các trường đang tổ chức dạy học trực tuyến, cùng với các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và an toàn sức khỏe cho học sinh, cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Những trường đã tổ chức dạy học trực tiếp cần duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; rà soát, kịp thời phát hiện các nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh. Đối với học sinh, cần thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là nguyên tắc "5K".

 Thống Nhất - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/1018268/bao-dam-an-toan-cho-hoc-sinh?fbclid=IwAR0z5m2xHsqW6eSVXUZLRBYfkqsvhhjv-aZKSPdU9Y5RnFBZQ_sjMhapCxA