Bình Phước: Công ty Hoàng Cát xây dựng trạm trộn bê tông trái phép trên đất nông nghiệp?

28/07/2022 15:13

Kinhte&Xahoi Tại dự án xây dựng trạm trộn bê tông tươi Hoàng Cát (xã Nha Bích, Chơn Thành) do Công ty Cổ phần Bê tông Hoàng Cát làm chủ đầu tư vừa được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Tuy nhiên, tại đây công trình đã xây dựng và đi vào hoạt động từ nhiều tháng qua.

UBND tỉnh Bình Phước đã có quyết định số 1286 ngày 14/7/2022 về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và cho Công ty Cổ phần Bê tông Hoàng Cát (Công ty Hoàng Cát) thuê đất để xây dựng trạm trộn bê tông tươi Hoàng Cát.

Lễ động thổ nhà máy sản xuất bê tông tươi Hoàng Cát của Công ty Hoàng Cát đã được triển khai từ tháng 11/2021

Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước cho Công ty Cổ phần Bê tông Hoàng Cát chuyển mục đích 26.423,8m2 đất trồng cây lâu năm sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp và cho thuê đất với diện tích nêu trên để xây dựng trạm trộn bê tông tươi Hoàng Cát.

Quyết định trên yêu cầu Công ty Cổ phần Bê tông Hoàng Cát phải đến Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh ký hợp đồng thuê đất; Chấp hành đúng các quy định về quản lý, sử dụng đất; Nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất và các nghĩa vụ tài chính khác.

Sở TNMT chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai lập hồ sơ xác định thông tin địa chính về thửa đất gửi đến cơ quan có thẩm quyền để xác định nghĩa vụ tài chính mà Công ty Cổ phần Bê tông Hoàng Cát phải nộp; Phối hợp với các đơn vị có liên quan bàn giao đất ngoài thực địa…

Trạm trộn bê tông tươi Hoàng Cát đã đi vào hoạt động kinh doanh từ tháng 3/2022

Mặc dù ngày 14/7/2022, Công ty Cổ phần Bê tông Hoàng Cát mới được chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm (đất nông nghiệp) qua đất phi nông nghiệp nhưng công trình xây dựng trạm trộn bê tông của Công ty Hoàng Cát đã được xây dựng gần như hoàn thiện từ nhiều tháng trước đó.

Hàng loạt xe trộn bê tông hàng ngày ra vào trạm trộn bê tông Hoàng Cát tại ấp 1, xã Nha Bích

Được biết, ngày 29/3/2022, UBND tỉnh Bình Phước ra quyết định 582 về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện Chơn Thành.

Theo điều tra, dự án Trạm trộn Bê tông tươi Hoàng Cát được khởi công ngày 15/11/2021. Sau nhiều tháng rầm rộ triển khai xây dựng, ngày 25/3/2022, Công ty Hoàng Cát đã tiến hành đưa Trạm trộn Bê tông tươi vào hoạt động kinh doanh.

Trong vai khách hàng cần làm công trình, liên hệ theo số đường dây nóng của Công ty Cổ phần Bê tông Hoàng Cát, chúng tôi được nhân viên tên A (xưng là nhân viên kinh doanh của Công ty Hoàng Cát) cho biết: Công ty đã đưa vào kinh doanh gần một năm nay. Hiện công ty đang đổ bê tông cho nhiều công trình với các mác 250, 300, 400. Theo đó mác 250 đang đổ (bán-PV) với mức giá 1220 nghìn đồng cho mỗi khối; mác 300 đổ với mức giá 1280 nghìn một khối (đó là giá tại trạm). Tuỳ thuộc vào phía công trình ở chỗ nào, khối lượng, có xuất hoá đơn không... mà có giá khác nhau.

Liên quan việc xây dựng trạm trộn bê tông của Công ty Hoàng Cát có dấu hiệu xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, nhiều tháng qua, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ đến UBND huyện Chơn Thành, Giám đốc Sở Xây dựng... để có thông tin khách quan, đa chiều. Tuy nhiên đến nay, không hiểu vì lý do gì các đơn vị trên vẫn chưa có phản hồi.

 Văn Quân - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cong-ty-hoang-cat-xay-dung-tram-tron-be-tong-trai-phep-tren-dat-nong-nghiep-201481.html