Bộ Công thương lập 3 đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc

30/08/2022 20:51

Kinhte&Xahoi Các đoàn công tác sẽ tập trung kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh xăng dầu bao gồm cả thương nhân, đại lý, cửa hàng bán lẻ...

Ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diện đã chỉ đạo thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Theo đó, thành phần 3 đoàn công tác của Bộ Công thương bao gồm mỗi đoàn một Thứ trưởng làm trưởng đoàn và đại diện 4 đơn vị: Tổng Cục Quản lý Thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế.

Đoàn công tác sẽ tập trung kiểm tra, giám sát những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu “găm hàng”

Cụ thể, đoàn công tác sẽ tập trung chỉ đạo công tác kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu bao gồm cả thương nhân kinh doanh xăng dầu, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu…; chỉ tập trung kiểm tra, giám sát những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu “găm hàng”, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Ba đoàn công tác sẽ thực hiện đợt kiểm tra ngay trong những ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, nhưng sẽ hoạt động liên tục đến hết năm 2022 và cho đến khi ổn định tình hình cung ứng, phân phối xăng dầu trên thị trường.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, các đoàn công tác trên không phải là đoàn kiểm tra, nhưng có chức năng giám sát, Cục Quản lý thị trường và Sở Công thương địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu đặc biệt không gây khó dễ cho doanh nghiệp và không phải doanh nghiệp nào cũng kiểm tra. Cán bộ nào thuộc đoàn công tác vào kiểm tra, giám sát gây khó dễ cho doanh nghiệp thì sẽ bị xử lý nghiêm.

Nhiệm vụ của 3 đoàn công tác sẽ giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu có biểu hiện vi phạm, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng, giảm thời gian bán hàng sai quy định.

Ngoài ra, các đoàn công tác còn thể hiện trách nhiệm của Bộ Công thương trong vai trò cơ quan quản lý của Nhà nước nhằm giám sát không chỉ doanh nghiệp mà giám sát các Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường các địa phương trong việc giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu để bảo đảm không xảy ra biến động lớn và không tạo hiệu ứng xã hội phức tạp. Tổng cục Quản lý thị trường sẽ là đơn vị đầu mối của đoàn công tác tại các địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, 4 đơn vị được giao nhiệm vụ gồm: Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế sẽ chủ động tham mưu cho các Thứ trưởng phụ trách khu vực để phối hợp chặt chẽ. Đặc biệt, tại khu vực Tây Nam Bộ, Bộ trưởng cho rằng cần phải chú ý tới một số thành phố lớn khu vực này có hiện tượng không bình thường.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu cán bộ tại các đơn vị được phân công cần phải khẩn trương lên đường vào địa bàn phối hợp với Cục Quản lý thị trường và Sở Công thương các địa phương để kiểm tra ngay.

Đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Người đứng đầu Bộ Công thương giao các Thứ trưởng làm trưởng các đoàn công tác chịu trách nhiệm giữ mối liên hệ với các địa phương trong vùng được phân cấp phụ trách trực tiếp thị sát, giám sát và chỉ đạo để lực lượng Quản lý thị trường và Sở Công thương các địa phương cùng với lực lượng chức năng trên địa bàn giữ mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương để giám sát, chỉ đạo thực hiện theo Nghị định 83, Nghị định 95 và những chỉ đạo của lãnh đạo bộ trong thời gian vừa qua về vấn đề kinh doanh xăng dầu để bảo đảm mặt hàng này ổn định trong những ngày lễ sắp tới và từ nay cho đến cuối năm.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bo-cong-thuong-lap-3-doan-kiem-tra-hoat-dong-kinh-doanh-xang-dau-tren-toan-quoc-204658.html