Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải sau khi kiểm soát được dịch bệnh

30/09/2021 10:37

Kinhte&Xahoi Ngày 28/9, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 9 tháng đầu năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm.

Tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 9 tháng đầu năm 2021

Theo đó, được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo, điều hành của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, hầu hết các mặt công tác trong 9 tháng năm 2021 của ngành GTVT đã hoàn thành kế hoạch đề ra.

Cụ thể, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy hoạch, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời, hiệu quả; đã kịp thời hoàn thành công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản bản quy phạm pháp luật với khối lượng lớn trong thời gian ngắn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chất lượng văn bản QPPL ban hành được cải thiện, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Công tác lập quy hoạch ngành quốc gia được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, kịp thời, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối giữa các lĩnh vực, khắc phục được hạn chế các quy hoạch trước đây. Bộ GTVT là một trong những bộ, ngành đầu tiên trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch làm cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc.

Công tác bảo đảm hoạt động vận tải được thực hiện kịp thời, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, các tuyến đường địa phương, tại các cảng biển, cảng, bến thủy nội địa cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc kéo dài, đảm bảo lưu thông hàng hóa 24/24h phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Ảnh minh họa.

Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021-2025 được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng hồ sơ và tiến độ được giao, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A phải trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục có nhiều chuyển biến, tiến độ giải ngân được đảm bảo và cao hơn mức trung bình chung của cả nước.

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nhưng nhiều công trình, dự án của ngành GTVT quyết tâm khắc phục khó khăn trong điều kiện dịch bệnh để hoàn thành, đưa vào khai thác đúng kế hoạch; nhiều dự án đã kịp thời xử lý, tháo gỡ được vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ và chất lượng công trình.

Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tiếp tục có nhiều cải thiện, tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu cả 3 tiêu chí.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như công tác giải ngân đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP. Tuy nhiên, giá trị giải ngân đến nay chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng XDCB, dự án BT, thu hồi vốn ứng trước, phần giải ngân cho khối lượng thi công chưa nhiều.

Công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án chưa được xử lý dứt điểm; thiếu vật liệu thi công, giá vật liệu, nhiên liệu phụ vụ thi công tăng cao đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số dự án. Ngoài ra, dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương khiến khiến việc triển khai các dự án từ khâu thiết kế, thi công, xử lý các thủ tục nội nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Vẫn còn vướng mắc về việc huy động tài chính, nguồn cung ứng vất liệu đối với 3 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2017-2020.

Công tác kiểm soát hoạt động vận tải được đảm bảo, tuy nhiên vẫn còn còn xảy ra hiện tượng ùn tắc tại các chốt kiểm dịch trong thời gian ngắn do việc triển khai kiểm soát y tế đối với lái xe và người đi trên phương tiện ở một số địa phương còn chưa phù hợp.

Nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp rà soát kỹ lưỡng những nội dung đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, đầu tư phát triển hạ tầng của Bộ để sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, chuẩn bị kỹ nội dung giải trình, tạo sự đồng thuận cao khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Khẩn trương hoàn thành, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT.

Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 10/2021 đối với 3 quy hoạch chuyên ngành đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không.

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Luật giao thông đường bộ để trình Chính phủ trong trước 30/10/2021. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành tổng kết các Luật chuyên ngành (Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Đường sắt, Luật Đường thủy nội địa) để có cơ sở xem xét, thực hiện lập đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL.

Tiếp tục rà soát hệ thống các văn bản QPPL để tham mưu bổ sung những quy định còn thiếu, điều chỉnh những quy định còn khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Đồng thời, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch và các đề án khác đã được ban hành.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Văn phòng Chính phủ để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch và các đề án khác đã trình. Khẩn trương hoàn thành các đề án về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực GTVT làm cơ sở triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ liên quan.

Trong công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị kỹ nội dung giải trình, tạo sự đồng thuận cao khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Hoàn thành hồ sơ, thủ tục liên quan để đủ điều kiện trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các dự án còn lại dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện thủ tục một số dự án để đủ điều kiện giao số vồn còn lại của năm 2021.

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án chậm tiến độ.Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các Chủ đầu tư/Ban QLDA bám sát tiến độ thực hiện, kiểm soát tốt hệ thống quản lý chất lượng tại từng dự án, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm về chất lượng công trình; tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án, đặc biệt dự án trọng điểm cao tốc Bắc - Nam, các dự án đường bộ, đường sắt cấp bách, dự án đường CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án; xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong quản lý điều hành dự án (ban QLDA, TVTS, các nhà thầu tham gia, …) để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện, đảm bảo hoàn thành công tác giải ngân theo đúng kế hoạch năm 2021.

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, trình Chính phủ xem xét điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn về việc thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp nền đường tại Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành liên quan xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho 03 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020;

Tập trung, quyết liệt chỉ đạo các CĐT/ban QLDA hoàn chỉnh các thủ tục để hoàn thành 14 dự án theo kế hoạch, đặc biệt là các dự án cất hạ cánh Tân Sơn Nhất và Nội Bài, dự án cao tốc Bắc Nam (Cao Bồ - Mai Sơn), QL53 và hoàn thiện các thủ tục còn tồn tại để đưa dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông vào khai thác. Đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về vốn của dự án Bến Lức - Long Thành. Hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công 11 dự án theo kế hoạch.

Hoàn thành rà soát, lập kế hoạch xây dựng định mức tại các dự án đang triển khai để xây dựng khoảng 472 định mức đã được lập danh mục; phối hợp với Bộ Xây dựng để ban hành, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Đặc biệt, về công tác phòng chống covid-19, quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng chống lụt bão, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp bảo đảm hoạt động vận tải, phục vụ lưu thông hàng hóa thông suốt, kịp thời 24/24h theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch tổ chức khôi phục hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực sau khi các địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp để xây dựng, triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi hoạt động vận tải và dịch vụ Logistic trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; duy trì chế độ trực ban công tác PCTT&TKCN để kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị trong mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết; triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và mô hình trung tâm phục vụ hành chính công trong giải quyết thủ tục hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2021-2025.

Rà soát lại các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc bức xúc, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm để có giải pháp, giải quyết dứt điểm vụ việc. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các hoạt động của ngành; chủ động, kịp thời, công khai, minh bạch thông tin với báo chí và xã hội. Chủ động theo dõi những vấn đề dư luận xã hội và cử tri quan tâm; chủ động giải trình, kịp thời giải quyết, trả lời có hiệu quả các kiến nghị của cử tri, chất vấn của Đại biểu Quốc hội.

 Ngọc Hiếu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-gtvt-khan-truong-hoan-thien-ke-hoach-khoi-phuc-hoat-dong-van-tai-sau-khi-kiem-soat-duoc-dich-benh-d167490.html