Bổ sung đối tượng hộ nghèo do bị tác động của dịch Covid-19

24/07/2021 06:21

Kinhte&Xahoi Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ chú ý đến các đối tượng nghèo mới nổi do tác động của Covid-19, bởi Chương trình này khi xây dựng chưa đề cập kỹ đến tác động của Covid-19 đối với các hộ nghèo

Chiều 23/7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí thảo luận tại tổ

Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Chính phủ chú ý đến các đối tượng nghèo mới nổi do tác động của Covid-19, bởi Chương trình này khi xây dựng chưa đề cập kỹ đến tác động của Covid-19 đối với các hộ nghèo, đặc biệt là những lao động phổ thông khi không có việc làm ổn định ở thành phố phải về quê. Đây là những hộ nghèo đa chiều về y tế, giáo dục, thậm chí cả nước sinh hoạt.

Việc cứu trợ của Nhà nước hay các tổ chức, nhà hảo tâm chỉ trong thời điểm nào đó không thể duy trì dài được, vì thế Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn đến các đối tượng này, bởi các khoản hỗ trợ của Chính phủ về phòng, chống Covid-19 chỉ mang ý nghĩa tạm thời. Chương trình cần mở thêm mục các đối tượng, trong đó cần thêm đối tượng là các hộ mới bị nghèo do tác động của Covid-19.

“Bên cạnh đó, do đặc thù nên cần có ưu tiên về thủ tục, cách làm để gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng đến đúng được đối tượng, bảo đảm thực hiện hiệu quả, kịp thời. Đúng như tinh thần của Đảng, Chính phủ là: Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.

Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về 2 chương trình mục tiêu quốc gia này, song đại biểu Khuất Việt Dũng quan tâm đến một số kiến nghị: Việc thành lập 1 ban chỉ đạo chung cho cả 2 chương trình này là cần thiết, có thể gắn với các quy hoạch vùng, quy hoạch của tỉnh để có sự chỉ đạo thống nhất giữa mục tiêu của chương trình và các quy hoạch trên.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ

Cùng với đó, việc sắp xếp lại các tiểu dự án cho phù hợp với thứ tự ưu tiên, trong đó dự án về sinh kế cần được đặt trọng tâm ưu tiên hơn so với các tiểu dự án khác, bởi những nơi sinh kế khó khăn người dân nông thôn sẽ ít quan tâm đến các vấn đề khác. Dự án phát triển hạ tầng cần căn cứ vào từng vùng của cả nước để bảo đảm hiệu quả, bởi nhiều khu vực có hạ tầng phát triển nhưng người dân không có sinh kế thì đời sống không thể bảo đảm được.

“Cả hai chương trình trên cần phải gắn với thu nhập bình quân của người dân sau 5 năm triển khai, bởi phải hướng đến cuộc sống của người dân là rất quan trọng. Cùng với đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn để lao động nông thôn phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm”, đại biểu Khuất Việt Dũng nêu kiến nghị.

Tán thành sự cần thiết phải ban hành 2 chương trình trên của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Kim Sơn (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá, mục tiêu chương trình lớn nhưng chúng ta kỳ vọng sẽ đạt được một số mục tiêu cụ thể, trong đó tập trung ưu tiên cao độ cho sinh kế và kinh tế của khu vực nông thôn.

Từ góc độ của ngành GD&ĐT, đại biểu đề nghị tích hợp các nội dung của các chương trình liên quan đến giáo dục để đạt hiệu quả cao hơn; Trong đó có tỷ lệ 30% chưa kiên cố hóa các trường và tỷ lệ mù chữ chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi.

 Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bo-sung-doi-tuong-ho-ngheo-do-bi-tac-dong-cua-dich-covid-19-171033.html