Các địa phương ven biển đề phòng những hiện tượng thiên tai cực đoan

22/08/2022 08:10

Kinhte&Xahoi Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cuối tháng 8, nhiều vùng biển sẽ có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông đề phòng khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8; sóng biển cao từ 2-3m.

Chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

 Từ đầu năm 2022 đến nay thiên tai diễn biến phức tạp và dị thường, điển hình như đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô (từ ngày 30/3-2/4) kèm theo dông lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa; rét lịch sử cuối tháng 2/2022 ở khu vực miền núi phía Bắc; động đất gia tăng về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum...

Giữa tháng 7, tỉnh Cà Mau xuất hiện dông, lốc kèm theo mưa to làm hư hại hơn 750 căn nhà dân tại các xã ven biển, gần 345ha lúa hè thu và 1 ha rau màu bị ngập úng; ước tổng thiệt hại hơn 5,2 tỷ đồng.

Dông, lốc kèm theo mưa to xảy ra tại Cà Mau làm hư hại hơn 750 căn nhà dân tại các xã ven biển

Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng và sẽ còn tiếp tục tăng khiến cho công tác phòng, chống thiên tai cần phải được chú trọng và tập trung nhiều nguồn lực.

Để chủ động ứng phó với các hiện tượng thiên nhiên cực đoan, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai liên tục có các văn bản chỉ đảo đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thông báo đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp khi đã đảm bảo an toàn.

Ngày 20/8, đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Ủy viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đề nghị, trong thời gian tới Sóc Trăng cần tăng cường công tác chỉ đạo về phòng chống thiên tai; phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” từ lực lượng xung kích, dân quân tự vệ; tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo bằng đa dạng dưới nhiều hình thức; cảnh giác, đề phòng các hiện tượng thiên tai cực đoan...

Nâng cao ý thức của người dân về phòng chống thiên tai

 Trước thực trạng đó, trước mùa mưa bão năm nay, tại các tỉnh, thành phố ven biển, lực lượng trên địa bàn toàn huyện đã sớm chủ động xây dựng phương án huy động lực lượng, bố trí phương tiện sát đúng với tình hình để sẵn sàng di dời người, tài sản khi có thiên tai xảy ra.

Các địa phương cũng chuẩn bị, hiệp đồng đầy đủ tàu thuyền, xe tải, xe khách, thực phẩm, nước uống, thuốc men... để không bị động, thiếu thốn. Các phương án đảm bảo an ninh, an toàn, sức khỏe cho người dân tại các điểm tập kết cũng đã được xây dựng chu đáo.

Trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các địa phương cũng đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nhắc nhở người chú trọng đảm bảo an toàn. Tất cả các vị trí, các tình huống có thể xảy ra sự cố đều đã được các địa phương dự báo cụ thể, có kế hoạch điều động và sử dụng lực lượng chi tiết, chuẩn bị đầy đủ phương tiện và trang bị sẵn sàng tham gia ứng cứu.

Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành thì ý thức của người dân các địa phương ven biển về phòng chống thiên tai, hỗ trợ tìm kiếm cũng đã được nâng lên.

Hải Phòng là thành phố ven biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng của các yếu tố thiên tai, bão, lũ, triều cường, mưa lớn, thời tiết nguy hiểm trên biển và các hệ quả thiên tai như sóng, nước dâng do bão, ngập lụt, bồi lắng, xói lở, xâm nhập mặt… gây ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Mưa bão tại Cát Bà (Hải Phòng)

Hàng năm, trung bình Hải Phòng chịu ảnh hưởng 3-5 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó, có 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp. Các sông khu vực Hải Phòng chịu ảnh hưởng của lũ thượng nguồn, mưa lớn; triều cường, sóng lớn và nước dâng do bão.

Để chủ động ứng phó với bão, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng đề nghị các Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, quận và các ngành, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; rà soát, kiểm đếm, nắm chắc thông tin tàu thuyền đang hoạt động trên biển; thông báo cho các chủ phương tiện về diễn biến của bão để chủ động tìm nơi tránh trú an toàn, giữ thông tin liên lạc đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra.

Ngư dân Vũ Sơn (Cát Bà, Hải Phòng) chia sẻ: “Trước mùa mưa bão, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền các thông tin về phòng chống thiên tai, ngư dân chúng tôi luôn ý thức cao trong việc phòng chống giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an toàn.

Là những ngư dân sinh sống tại Cát Bà, lại thường xuyên đi biển nên chúng tôi đã sớm sửa chữa nhà cửa, gia cố tàu thuyền, ghép dọn đồ đạc gọn gàng và sẵn sàng di dời có lệnh. Chúng tôi cũng chấp hành nghiêm việc không đi biển khi thời tiết phức tạp, sẵn sàng giúp đỡ bạn nghề không may gặp nạn và hỗ trợ các lực lượng chức năng các thông tin, kinh nghiệm về cứu hộ, cứu nạn trên biển”.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốchttps://tuoitrethudo.com.vn/cac-dia-phuong-ven-bien-de-phong-nhung-hien-tuong-thien-tai-cuc-doan-204020.html