Các đối tượng đưa, nhận hối lộ cho xe chở nông sản vượt tuyến ở Lạng Sơn sẽ bị xử lý thế nào?

15/01/2022 20:58

Kinhte&Xahoi Lợi dụng tình trạng ùn ứ các phương tiện vận tải chở nông sản tại cửa khẩu ở Lạng Sơn, các đối tượng (trong đó có cán bộ Đội Quản lý trật tự đô thị huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) đã móc nối đưa, nhận hối lộ, gây bức xúc trong dư luận xã hội, mất lòng tin của người dân. Dư luận đặt câu hỏi, đối tượng sẽ bị xử lý theo khung hình phạt nào?

Ngày 13/1/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Đinh Văn Thìn (sinh năm 1979, trú xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn) về hành vi đưa hối lộ; Nông Tuấn Anh (sinh năm 1992) và Lâm Văn Hưởng (sinh năm 1983), cả hai đều là cán bộ Đội Quản lý trật tự đô thị huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, về nhận hối lộ.

3 đối tượng đưa và nhận hối lộ cho xe chở nông sản vượt tuyến tại cửa khẩu vừa bị Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ

Theo Cơ quan điều tra, thời gian qua, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát người và phương tiện hàng hóa xuất nhập khẩu dẫn đến tình trạng ùn tắc ở cửa khẩu. Có thời điểm, khoảng 5.000 phương tiện, 10.000 lái xe đường dài không được thông quan khiến nhiều hàng hóa bị hỏng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Lợi dụng tình trạng này, các đối tượng Đinh Văn Thìn, Nông Tuấn Anh và Lâm Văn Hưởng đã đưa và nhận hối lộ nhằm điều tiết, sắp xếp phương tiện được xuất khẩu vượt tuyến mà không theo thứ tự.

Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng tình trạng xe xuất khẩu hàng hóa ùn ứ ở bãi trung chuyển chờ xuất khẩu đã thông đồng tìm những xe đã được cấp phiếu xếp xe xuất khẩu hàng hóa nhưng do hàng bị hỏng hoặc quay đầu, đổi đầu container để đưa những xe mới đến thay vào vị trí xe cũ. Mỗi lần trót lọt, các đối tượng thu lợi từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/xe.

Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết đường dây này đã thu lời bất chính ít nhất hơn 500 triệu đồng. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

Hàng nghìn xe chở nông sản ùn ứ chờ thông quan ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về những băn khoăn của bạn đọc trong vụ việc trên, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), nêu quan điểm: Các cửa khẩu quốc tế vốn được coi là đầu mối giao thương quốc tế quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế trong nước và khu vực. Vì vậy, việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thu lợi bất chính, hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa cho bà con nông dân là việc làm cấp thiết lúc này.

“Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra, 3 đối tượng vừa bị khởi tố với hành vi đưa và nhận hối lộ liên quan đến vụ dàn xếp ưu tiên cho xe hàng xuất khẩu qua biên giới Lạng Sơn với giá 100 - 300 triệu đồng/xe. Căn cứ vào Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội nhận hối lộ, hai cán bộ Đội trật tự đô thị có thể đối diện với mức phạt từ 2 đến 7 năm tù. Đối tượng “cò mồi” với hành vi đưa hối lộ có thể đối diện với các hình phạt: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, căn cứ vào Điều 364 Bộ luật này”, luật sư Trần Xuân Tiền cho biết.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Cũng theo luật sư Tiền, để có sự cạnh tranh lành mạnh, giao thương phát triển kinh tế xã hội thì cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương; Thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng vặt, hối lộ, trục lợi bất chính. Trong đó, cần xây dựng, nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, đặt mục tiêu phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp lên hàng đầu; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi đưa, nhận hối lộ.

Mặt khác, tại những cửa khẩu xuất hiện tiêu cực, địa điểm dễ xảy ra nhũng nhiễu, cần có phương án phân công cán bộ giỏi nghiệp vụ, có đạo đức thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức pháp luật cho các lái xe, chủ hàng không “móc nối”, không tiêu cực để xảy ra tình trạng điều tiết, sắp xếp phương tiện được xuất khẩu vượt tuyến không đúng quy định.

Vào thời điểm Tết Nguyên đán đã cận kề, người lao động mong mỏi, hi vọng vào một mùa màng bội thu. Tuy nhiên, việc tiêu cực tại cửa khẩu đã gián tiếp gây thiệt hại cho người dân trồng trọt, tước đi cơ hội việc làm, gây mất bình đẳng, lành mạnh trong cạnh tranh trên thị trường. Do đó, bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý tiêu cực, vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu thì cần tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho người dân.

 Thành Lộc - TTTĐ


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cac-doi-tuong-dua-nhan-hoi-lo-cho-xe-cho-nong-san-vuot-tuyen-o-lang-son-se-bi-xu-ly-the-nao-188096.html