Các nền kinh tế châu Á hợp tác ứng phó với cuộc chiến thuế quan của Mỹ

14/07/2018 12:35

Kinhte&Xahoi Các quốc gia tham gia đàm phán RCEP đều hy vọng thỏa thuận này sớm đạt được tiến triển trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp thuế nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia.

Ảnh minh họa
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong phát biểu tại lễ khai mạc cuộc họp của các bộ trưởng từ 16 quốc gia RCEP vào ngày 1/7 tại Tokyo (Nhật Bản).

Tại cuộc họp do Nhật Bản và Singapore đồng chủ trì, các bên mong muốn thu hẹp những bất đồng và những điểm khác biệt trong các lĩnh vực như giảm thuế quan, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử nhằm sớm đạt thỏa thuận về RCEP. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên tổ chức ở một quốc gia ngoài khu vực Đông Nam Á.

16 quốc gia tham gia đàm phán RCEP, đóng góp gần 1/3 giá trị thương mại và kinh tế toàn cầu, đều hy vọng sẽ sớm đạt được tiến triển và sự thống nhất trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp thuế nhập khẩu nhằm vào các đối tác thương mại với lý do vì an ninh quốc gia. Điều này làm gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại, sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu.

Trong khối RCEP gồm các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), còn thêm Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng tham gia. Giới quan sát cho rằng lập trường bảo hộ của Tổng thống Mỹ đã là xung lực kích thích những nền kinh tế hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thể hiện sự trung thành của họ với thương mại tự do.

Xung quanh vấn đề này, ông Andrei Karneev, Phó Giám đốc Viện các nước Á-Phi thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva đề cập đến những tiến bộ nghiêm túc trong cuộc đàm phán về RCEP. 

Kết quả hoàn toàn tiên liệu được và nó không nhất thiết phải ràng buộc với hành động gần đây của Tổng thống Trump có tính chất hủy hoại chuẩn mực thương mại quốc tế. Sai lầm đã xuất hiện từ thời ban lãnh đạo nước Mỹ tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama, người từng phản đối hai tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và RCEP.

Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong tiến trình đàm phán RCEP. Và Mỹ thực sự đặt các đối tác của họ trước sự lựa chọn - hoặc là chơi theo quy tắc của Mỹ, và tương ứng là gây áp lực với Trung Quốc, hoặc là chọn định dạng tích hợp thay thế. 

Song nhiều chuyên gia lưu ý, tối hậu thư khắc nghiệt như vậy đã gây bối rối cho những nước có ràng buộc với Washington bằng nhiều thỏa thuận chính trị-quân sự. Nhiều chính phủ thấy hai định dạng này là bổ sung cho nhau và chưa sẵn sàng lựa chọn ai – Mỹ hay Trung Quốc.

Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp của các bộ trưởng RCEP ở Tokyo đã lưu ý rằng trong bối cảnh hiện nay khi nền thương mại toàn cầu đối mặt với thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ đơn phương độc đoán, điều quan trọng then chốt là nhanh chóng hoàn tất đàm phán về RCEP. 

Đại diện Trung Quốc tại cuộc gặp là phái đoàn gồm quan chức Bộ Thương mại, Ủy ban Nhà nước về Phát triển và Cải cách, Bộ Công nghiệp và Thông tin, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như Tổng cục Hải quan. Danh sách đại diện rộng rãi với nhiều cơ quan chính phủ nói lên không chỉ nguyện vọng trừu tượng muốn thấy một khối thương mại mới, mà là bước tiến nghiêm túc tới những thỏa thuận thực tế.

Đối với Bắc Kinh, tiến bộ trong đàm phán về RCEP hiện nay là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh những rạn nứt Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn trên bình diện thương mại.

Chuyên gia Jia Pujing từ Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định chủ nghĩa bảo hộ thương mại đơn phương của chính quyền Trump đặt ra mối đe dọa cho nền kinh tế thế giới, mà trong nhiều thập kỷ đều dựa trên hệ thống thương mại đa phương, và ở một mức độ nào đó thậm chí ông Trump đã phá hủy nghiêm trọng hệ thống này. Thành công tương đối của cuộc đàm phán về RCEP tạo cơ sở để hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ được ký kết trong năm nay.

Hiện tại có nhiều nước đang thể hiện quyết tâm bảo vệ hệ thống thương mại đa phương. Đương nhiên, điều này gắn với động thái khiêu khích thương mại mà ông Trump muốn có trên quy mô toàn cầu. Việc ký kết các thỏa thuận về RCEP sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hội nhập thị trường của khu vực Tây Thái Bình Dương, tức là toàn bộ thị trường Đông Bắc Á, hỗ trợ cho đà phát triển thương mại-kinh tế khu vực.

Về ảnh hưởng với Mỹ, chuyên gia Jia Pujing cho rằng cần phân biệt “giữa nói và làm”. Trong các tuyên bố, Mỹ dường như ủng hộ việc rút khỏi hệ thống thương mại đa phương, kể cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mà nhấn mạnh vào đàm phán thương mại song phương. 

Tuy nhiên, nếu nhìn vào những hành động của Washington, họ hiện thời chưa tạo ra cấu trúc thương mại mới, ngay cả thúc đẩy đàm phán song phương với Nhật Bản và các đồng minh khác cho đến nay vẫn không thành công. Các hoạt động của nền kinh tế Mỹ tiếp tục diễn ra trong các cấu trúc đa phương hiện có. Do đó, đối với Mỹ, trong tương lai, RCEP cũng có thể là hữu ích.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cần làm rõ những dấu hiệu vi phạm của Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi 1 (Bắc Ninh)

Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi I (phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã trúng thầu gói thầu số 1 thuộc dự án “Cải tạo, nâng cấp sông Ngũ huyện Khê thuộc hệ thống thủy nông Bắc Đuống”, có dấu hiệu khai khống khối lượng thi công để phù hợp với tiêu chí hồ sơ mời thầu (HSMT) các gói thầu mà công ty này đang tham gia đấu thầu ở một địa phương khác.

Xã Trung Hà (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc): Bao giờ mới hết cát tặc?

Tình trạng khai thác cát diễn ra rầm rộ ven sông Hồng tại khu vực xã Trung Hà (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) khiến tài nguyên của nhà nước bị thất thoát, hoa màu cùng đất canh tác của người dân cuốn trôi theo dòng nước, người dân vô cùng bức xúc... nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái hay chế tài để có thể xử lý dứt điểm. Tất cả chỉ như đang dừng lại bằng những lý giải khó khăn trong công tác quản lý, xử lý, kèm theo đó là những văn bản báo cáo qua lại giữa các cấp chính quyền ghi nhận thực trạng đang tồn tại như để thể hiện đã... xong trách nhiệm.