Các tỉnh giữ chân doanh nghiệp FDI bằng cách nào?

30/09/2021 07:10

Kinhte&Xahoi Khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại nhiều địa phương, kinh tế đất nước xáo trộn, chính vì vậy việc giữ chân doanh nghiệp FDI là việc làm cấp thiết.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức Tọa đàm “Covid-19 và FDI” để cùng bàn luận, chia sẻ về môi trường đầu tư ổn định, an toàn và hấp dẫn với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tại Khu công nghiệp Yên Bình, xã Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên ngày 3/9. Ảnh: VGP

Lợi ích thì chúng ta phải hài hòa, rủi ro thì chúng ta chia sẻ

Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin, chia sẻ về thông điệp nhất quán của Chính phủ trong việc tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư khắc phục khó khăn của dịch bệnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế.

“Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong thời điểm khó khăn này, quan điểm đó càng được khẳng định. Con số thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2021 đã nói lên điều đó. Điều này đã thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và khẳng định tính hiệu quả trong giải pháp đồng hành, hỗ trợ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong thời gian vừa qua”.

Về những giải pháp, chính sách của Chính để tháo gỡ khó khăn và chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh cũng như hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp thông qua nhiều nghị quyết, nghị định về miễn giảm thuế, phí; giãn, hoãn các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ thị để kịp thời chỉ đạo, điều hành nhanh chóng với tình hình chống dịch.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp cùng Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), các hiệp hội doanh nghiệp thành viên tiến hành điều tra khảo sát hơn 500 tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhìn chung, đại dịch COVID-19 có tác động tiêu cực đến doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, bày tỏ sự lạc quan vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam và cam kết tiếp tục đầu tư, kinh doanh lâu dài, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng lộ trình thích ứng an toàn, xác định quan điểm mới về chống dịch.

Tháng 9/2021, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 13,374 triệu USD vốn đầu tư quy đổi. Lũy kế, từ đầu năm đến nay, tỉnh thu hút được 853,2 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 90,7% cùng kỳ. Trong đó cấp mới 24 dự án đầu tư trong nước (DDI) vốn đăng ký 1.565 tỷ đồng, gấp 5,1 lần; 17 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vốn đăng ký 620,2 triệu USD, gấp 2,02 lần; điều chỉnh 7 dự án DDI vốn đăng ký tăng thêm 90 tỷ đồng, 32 dự án FDI vốn đăng ký bổ sung 161 triệu USD, bằng 55,8% so với cùng kỳ.

Cũng liên quan đến vấn đề khó khăn thách thức đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Qua tổng hợp, đưa ra các nhóm vấn đề khó khăn mà các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế đang phải đối diện.

Tất cả khó khăn trên đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời giải quyết bằng các nghị quyết của Chính phủ. Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới tập trung vào các nhóm giải pháp dài hạn, hoàn thiện hành lang pháp luật, quy định về khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc sửa đổi Nghị định 82 về khu công nghiệp, khu kinh tế, tạo nền tảng cho khu công nghiệp, khu kinh tế được phục hồi.

Trong thời gian tới, khi chúng ta thực hiện căn cơ các nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục được nâng cao, Thứ trưởng nhấn mạnh.

“Chìa khóa” thu hút vốn FDI

Chia sẻ những kinh nghiệm và các chính sách là “chìa khóa” thu hút vốn FDI cũng như đánh giá về những cơ hội, lợi thế cạnh tranh, tiềm năng hiện hữu của Đồng Nai trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, thời gian qua, Đồng Nai là một trong những địa phương có lượng lớn dòng vốn FDI và cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư FDI. Hằng năm UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng các kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài tại các thị trường tiềm năng và nơi có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm để giới thiệu đến tỉnh Đồng Nai.

Tỉnh quan tâm xây dựng và tổ chức các hội nghị để kết nối các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, lắng nghe các khó khăn cũng như kiến nghị của doanh nghiệp. Chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng nhau gỡ khó cho các doanh nghiệp; thường xuyên phối hợp với Cục Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản để xây dựng, mở rộng hệ thống điều phối viên hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh.

Cùng với những chủ trương, chính sách, định hướng của Trung ương, Đồng Nai áp dụng vào tình hình thực tế của tỉnh để đưa ra những giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó thường xuyên theo dõi, phối hợp các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “2 địa điểm, một cung đường”.

Vấn đề tiêm vaccine cho người lao động tại các KCN, khu chế xuất được các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm. Ảnh toquoc.vn

Tỉnh đã ban hành Kế hoạch đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch, qua đó góp phần giữ vững ổn định tăng trưởng kinh tế, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.

Cùng bàn luận về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, Bắc Ninh là địa phương cởi mở thu hút FDI, là điểm đến thu hút nhà đầu tư nước ngoài rất lớn. Tại thời điểm hiện nay thu hút khoảng 37 quốc gia với 20,4 tỷ USD vốn FDI. Tỉnh đã có chủ trương đa dạng hóa đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về hạ tầng.

Gần đây, tỉnh Bắc Ninh có mô hình mới để cụ thể hóa Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 như tập trung khuyến khích các dự án công nghệ cao, tiết kiệm đất, dùng ít lao động; thu hút vốn đầu tư các dự án FDI cao, tăng cường tính lan tỏa dự án; công nghệ cao; hiệu quả cao, tập trung làm sao thu hút nguồn lực cho ngân sách, góp phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế; sẵn sàng mặt bằng, tạo cho các nhà đầu tư; sẵn sàng nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đầu tư; sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật; sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trò chuyện cùng công nhân Dự án may mặc của Công ty Weitai, ngày 28/8/2021. 

Trả lời trên chinhphu.vn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chia sẻ, cốt lõi của thu hút FDI tại thời điểm này chính là ưu tiên số một cho phòng chống dịch và bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh an toàn.

Tỉnh đã tiến hành ưu tiên tiêm sớm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, các nhà máy và cơ sở sản xuất, sau đó mới tiêm đến người dân. Bảo vệ người lao động là bảo vệ nguồn lực quan trọng của địa phương. Chính điều này đã tạo niềm tin cho các doanh nghiệp vào chính quyền địa phương.

Mấu chốt nữa là không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Lãnh đạo địa phương phải trực tiếp thị sát doanh nghiệp, coi việc của doanh nghiệp là việc của chính quyền. Doanh nghiệp cũng có thể trực tiếp gọi điện trao đổi với Bí thư, Chủ tịch khi gặp bất kể trở ngại gì, ngay từ những việc như an ninh trật tự, đổ đất, tắc ống nước, mất điện, thiếu lao động…, lãnh đạo tỉnh đều phải xắn tay vào cuộc cùng doanh nghiệp gỡ khó.

Tỉnh Thái Nguyên giảm chi phí xét nghiệm xuống còn khoảng 50.000 đồng/mẫu gộp cho các doanh nghiệp.

Trong khi đó, tỉnh Thái Nguyên đã có những cách làm đột phá như, tỉnh giảm chi phí xét nghiệm xuống còn khoảng 50.000 đồng/mẫu gộp cho các doanh nghiệp, hàng tuần các doanh nghiệp FDI đã tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên thường xuyên cho khoảng 20%-30% tổng số công nhân trong công ty. Nhờ đó, hiện nay tuy dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương lân cận, nhưng trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hiện chưa phát hiện ra dịch.

Đối với các dự án lớn đang được nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ cho các ngành hỗ trợ giải đáp và hướng dẫn nhà đầu tư, định kỳ báo cáo UBND tỉnh. Đối với dự án FDI lớn như dự án của Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam (vốn đầu tư dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng) dự kiến đầu tư trên địa bàn tỉnh, tỉnh thành lập Tổ Hỗ trợ triển khai, định kỳ hằng tuần báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Đối với các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, thông qua các cuộc họp trực tuyến, trực tiếp, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận và kịp thời xử lý các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Nhờ đó, có nhiều dự án FDI tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất sau một thời gian triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.

Chúng tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam

Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện thể chế và làm cho môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và lành mạnh hơn, đặc biệt đánh giá cao việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 cũng như việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Một trong các yếu tố quan trọng để một doanh nghiệp thành công chính là sự hỗ trợ đến từ chủ trương đúng đắn và hành động cụ thể của Chính phủ hành động khuyến khích doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khối tư nhân phát triển.

“Chúng tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực và chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam. Chúng tôi muốn chia sẻ những mối quan tâm và khuyến nghị có thể giúp Chính phủ thành công với các mục tiêu kép và tăng thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn tái phục hồi nền kinh tế sau đại dịch”, ông Binu Jacob bày tỏ.

Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho. Ảnh: MPI.

Là nhà đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong nhiều năm, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết, mặc dù trong làn sóng dịch bệnh COVID-19 diễn ra từ cuối tháng 4 vừa qua, trong 6 tháng đầu năm, Samsung vẫn thuận lợi trong việc đạt mục tiêu xuất khẩu. Nếu nhà máy sản xuất điện gia dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng hoạt động bình thường trở lại thì dự kiến công ty sẽ vượt mục tiêu xuất khẩu năm nay.

Không chỉ đối với Samsung mà đối với tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang cung cấp một môi trường đầu tư hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư.

Gần đây, có nhiều ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do đại dịch COVID-19, tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cũng nhấn mạnh, Samsung hoàn toàn ủng hộ chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc theo đuổi mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch hiệu quả” vừa “phát triển kinh tế”.

Việt Nam luôn là nơi “đất lành, chim đậu” với các nhà đầu tư

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trước diễn biến dịch hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương có giải pháp phòng chống dịch hết sức linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch cũng như bảo đảm cho sản xuất.

Với thông điệp Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra là “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài hãy yên tâm, tin tưởng vào công tác chỉ đạo, phòng chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới và chắc chắn với những giải pháp đã và đang triển khai thực hiện, sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam ổn định và phát triển hơn nữa.

Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, qua giai đoạn quyết liệt chống dịch cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trong đó có từng công nhân của các doanh nghiệp, tỉnh Bắc Ninh nhận thức được rằng những khó khăn, trở ngại vừa qua, những thách thức mà chúng ta gặp phải chỉ là trong thời điểm tạm thời. Chúng ta cần phải tập trung, phải nỗ lực chiến đấu, chiến thấng dịch bệnh.

Các nhà đầu tư FDI cũng như các nhà đầu tư từ trước đến nay đã tin tưởng vào Việt Nam cũng như tin tưởng Bắc Ninh. Việt Nam luôn là nơi “đất lành, chim đậu” đối với các nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như sự phát triển của đất nước và các địa phương.

Tường Vân - Tùng Linh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/cac-tinh-giu-chan-doanh-nghiep-fdi-bang-cach-nao-d167421.html