Cấm cán bộ thuế "ngâm" hồ sơ chuyển nhượng bất động sản

13/06/2022 12:13

Kinhte&Xahoi Tổng cục Thuế vừa chỉ đạo lực lượng trong ngành không được trả lại hoặc ngâm hồ sơ khai thuế chuyển nhượng bất động sản của người dân dù nghi ngờ giá kê khai thấp hơn thực tế.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế vừa có công điện gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo toàn ngành tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Một số địa phương vẫn còn có hiện tượng "ngâm" hồ sơ chuyển nhượng bất động sản (Ảnh minh họa)

Theo đó, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật tại bộ phận một cửa liên thông theo nguyên tắc “tiền phòng hậu kiểm”. Điều này đã mang lại hiệu quả tích cực, tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện đúng khi kê khai nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng bất động sản.

Tuy nhiên, Tổng cục Thuế nhận được phản ánh ở một số địa phương vẫn còn có hiện tượng cơ quan thuế trả lại hồ sơ kê khai thuế do nghi ngờ những trường hợp này có dấu hiệu kê khai thấp so với giá giao dịch thực tế.

Do đó, để đảm bảo đúng nguyên tắc chỉ đạo của Bộ Tài chính “tiền phòng, hậu kiểm”, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố quán triệt đến từng Chi cục Thuế, đối với trường hợp nêu trên không thực hiện trả lại hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ mà cần thực hiện tính thuế theo đúng quy định.

Trường hợp phát hiện rủi ro thì chuyển sang thực hiện thanh tra, kiểm tra sau theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trước đó, theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, thời gian qua, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều chính sách chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp kiểm soát chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên, các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thời gian qua còn rất chung chung, chưa giải quyết triệt để tận gốc vấn đề, ngược lại thì còn để lại một số hệ lụy.

Trong đó có vấn đề 2 giá trong tính thuế chuyển nhượng bất động sản. Theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan thuế hiện nay không có cơ sở pháp lý rõ ràng để công nhận hoặc không công nhận mức giá kê khai trong hợp đồng công chứng là giá hợp đồng thực tế.

Chính vì vậy, việc áp dụng biện pháp để chống thất thu thuế trong hợp đồng kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản ở địa phương là không thống nhất, mỗi nơi mỗi người áp dụng một kiểu.

Dẫn phản ánh của cử tri, đại biểu Quốc hội cho biết, một số cơ quan thuế ở các huyện có biểu hiện tùy tiện trong việc áp dụng giá bất động sản tính thuế. Nhiều nơi yêu cầu phải áp dụng mức giá tính thuế cao hơn 1,2 đến 1,5 lần, thậm chí có nơi gấp 2 lần mới giải quyết hồ sơ. Nếu không thực hiện thì sẽ ngâm hồ sơ, mời lên làm việc nhiều lần hoặc trả hồ sơ vì cho rằng, giá trong hợp đồng chưa sát với giá thị trường theo khảo sát.

Tình trạng trên dẫn đến việc một số nơi có hồ sơ chậm giải quyết quá hạn khá lớn, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, quyền lợi người dân. Một số cán bộ thuế có biểu hiện lạm quyền, gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân trong quá trình giải quyết hồ sơ. Một số người dân buộc phải chấp nhận tiêu cực để giải quyết hồ sơ thuận lợi.

Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cam-can-bo-thue-ngam-ho-so-chuyen-nhuong-bat-dong-san-198646.html