Hình minh họa. (Nguồn: TNMT)

Thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra nhiều ở địa phương trên cả nước, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là gây sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần; ảnh hưởng nhiều diện tích đất sản xuất của người dân gây bức xúc trong dư luận. Nên việc Nghị định quy định việc quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng; bờ; bãi sông được hoàn thiện và được Chính phủ ban hành sẽ là cơ sở pháp lý, để các sở, các cấp, các ngành. Đặc biệt là các địa phương tiếp tục đề ra nhiều giải pháp đồng bộ xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép. Nhằm đảm bảo An ninh - Chính trị, trật tự an toàn xã hội, giúp cho người dân yên tâm lao động sản xuất.

Cụ thể, theo Nghị định 23/2020/NĐ-CP, việc khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông được thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật Khoáng sản; các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều, giao thông thủy nội địa, quy định của pháp luật khác liên quan và quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 13.

Theo căn cứ đặc điểm địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông và thực trạng, diễn biến tình hình xói, lở, bờ, bãi sông, các khu vực sau đây được khoanh định là khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông: Khu vực đang bị sạt, lở; Khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; Khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở; Khu vực khác có tầm quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định, an toàn của bờ sông; khu vực có công trình quốc phòng an ninh, khu đô thị, khu dân cư, khu vực có công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước, quan trắc, giám sát và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác mà việc khai thác cát, sỏi lòng sông có thể làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Ngoài ra, Chính phủ cũng khoanh định các khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông: Khu vực liền kề với khu vực đã, đang bị sạt, lở hoặc có nguy cơ sạt, lỡ mà việc khai thác cát, sỏi trên sông có thể làm gia tăng nguy cơ gây sạt, lở; Khu vực khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định để bảo đảm yêu cầu phòng, chống sạt, lở bờ sông.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ các quy định này khoanh định khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn, lấy ý kiến các cơ quan theo quy định của pháp luật về khoáng sản; ý kiến của Ủy ban lưu vực sông liên quan (nếu có), gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, Việc rà soát, điều chỉnh khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông được thực hiện định kỳ 05 năm một lần hoặc khi có sự thay đổi về các khu vực. Trường hợp cấp bách, có nguy cơ đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định tạm dừng hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, đồng thời khoanh định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung vào danh mục khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Cơ quan chức năng kiểm tra phương tiện vận chuyển cát. (Nguồn: TNMT)

Trước đó, sáng ngày 12/6/2019 , nhằm siết chặt và hạn chế thấp nhất tình trạng khai thác trái phép. Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng Thứ Trưởng Trần Quý Kiên đã làm việc với các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Dự thảo Nghị định cần làm rõ trong các quy định hoạt động quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông, nếu có sai phạm thì chỉ ra được đơn vị đầu mối có đủ trách nhiệm, phương tiện, thẩm quyền để xử phạt đơn vị có đủ năng lực để kiểm tra trong các vấn đề về kỹ thuật, thăm dò, đánh giá.

Bộ trưởng cũng chỉ ra vấn đề trong Dự thảo nghị định đưa vào các quy định “ Cấm khai thác đêm”, công bố các quy hoạch, giấy phép khai thác, lộ trình, thời gian khai thác cho người dân được biết. Đồng thời cần tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn đê điều và các công trình khác có liên quan theo quy định của pháp về tài nguyên nước, giao thông đường thủy nội địa, đê điều và phòng chống thiên tai…

Qua đó, khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, sẽ thể hiện được quan điểm của nhà nước về quy hoạch tổng thể tài nguyên cát, sỏi theo luồng sông. Đồng thời, gắn với trách nhiệm quản lý theo địa giới hành chính của các cấp chính quyền địa phương, từ quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác cát cho đến hoạt động vận chuyển và mua bán.

Đặc biệt, Dự thảo quy định rõ, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và các bộ, ngành liên quan, quy chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố có chung ranh giới là các dòng sông, cũng như trách nhiệm đứng đầu của Ủy ban nhân dân các cấp. Vì thế, Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng bờ, bãi sông được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành. Đặc biệt, là các địa phương, tiếp tục đề ra các giải pháp đồng bộ xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép.

Nhờ đó, thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Sự đồng thuận của người dân, để cuộc chiến chống cát tặc có hiệu quả cao. Giúp người dân có đất sản xuất ven sông yên tâm lao động sản xuất.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận Ba Đình (Hà Nội): Nhiều uẩn khúc trong việc cấp sổ đỏ tại số 33, phố Tân Ấp

Đã về hưu, Xí nghiệp bị giải thể nhưng ông Nguyễn Việt Trung lại không bàn giao tài sản cho Công ty CP Vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà, thay vào đó có dấu hiệu không minh bạch trong việc cho thuê nhà, biến tài sản chung thành tài sản riêng. Tài sản được cấp sổ đỏ có nhiều uẩn khúc, khó hiểu.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/cam-hoat-dong-khai-thac-cat-soi-long-song-tai-khu-vuc-co-nguy-co-sat-lo-d118243.html