Cận cảnh dự án Hà Nội Westgate liên tục "nâng" thời gian bỏ hoang

21/01/2019 10:56

Kinhte&Xahoi Dù đã thay tên, đổi chủ dự án Hà Nội Westgate (Quốc Oai, Hà Nội) vẫn “nằm trên giấy”, gây bức xúc trong dư luận và lãng phí tài nguyên đất…

Năm 2008, dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate (tên cũ là khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai) có quy mô diện tích khoảng 44,4ha thuộc thị trấn Quốc Oai và xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) giao Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp (chi nhánh của tập Gami Group) làm chủ đầu tư. 

 

Đến tháng 10/2013, UBND TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate (liên doanh giữa Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp và Công ty Keppel Land Ivestment Hà Nội Pte.Lte) đầu tư dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate. Tiến độ thực hiện dự án là 5 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

 

Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate cũng đã hết hạn (2013-2018) nhưng chủ đầu tư này vẫn không thể thực hiện dự án. 

 

Có thể thấy, dù đã có những thay đổi về tên dự án, liên kết với cả doanh nghiệp nước ngoài nhưng dự án dự kiến có quy mô đầu tư gần 3.000 tỷ đồng vẫn "nằm trên giấy". 

 

Đặc biệt, thời gian qua Hà Nội đã có những "hành động" quyết liệt nhằm "xoá sổ" những dự án chậm tiến độ nhiều năm, nhưng dự án này lại đang có những "tín hiệu" được điều chỉnh: tăng vốn đầu tư, tăng quy mô...

 

Người dân nơi đây đều tỏ ra lo lắng về năng lực và tiến độ thực hiện dự án của chủ đầu tư này. Tiến độ thực hiện dự án chậm kéo dài, trong khi đó người dân thiếu đất canh tác, lãng phí tài nguyên đất... Mới đây, chủ đầu tư đã có động thái đổ đất san nền một diện tích rất nhỏ so với dự án. Tuy nhiên, sau đó bên trong dự án lại không một bóng người. 

 

Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được thực hiện triệt để tại dự án này. Nhiều người dân tại xã Ngọc Mỹ và thị trấn Quốc Oai vẫn đồng ý giao đất. 

 

Gần 50ha đất nằm trên sát trục đường Đại Lộ Thăng Long được coi là mảnh "đất vàng" khiến nhiều đại gia địa ốc mong muốn. Thế nhưng, trong tay Gami, hàng chục năm dự án này vẫn không được triển khai. Dư luận đang đặt ra dấu hỏi lớn về năng lực chủ đầu tư và mục đích "ôm đất" của doanh nghiệp này. 

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp là một chi nhánh là chi nhánh của Gami Group do ông Nguyễn Tiến Dũng làm chủ. Bên cạnh tên tuổi là nhà phân phối xe hơi của nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam, Gami Group còn có tiếng vang trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Gami Group đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch NCB. Đáng chú ý, NCB sau nhiều năm được điều hành bởi nhân sự cao cấp của Gami Group (ông Vũ Hồng Nam, một lãnh đạo của Gami Group và bà Trần Hải Anh (vợ ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Gami), nhưng tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa.

Ngoài dự án Hà Nội Westgate, Gami được biết đến với các dự án như: khu đô thị Ecoriver Park Đà Nẵng, với quy mô gần 60ha, tổng vốn đầu tư 250 triệu USD; Dự án Resort Phú Quốc, với quy mô 34,9ha ta tại Bãi Trường; Dự án khu phố mới Hoa Lư, TP. Pleiku, Gia Lai với quy mô 15,6ha; Dự án đô thị mới Hùng Vương, TP Tuy Hòa, Phú Yên với quy mô 10,4ha; Dự án Tuần Châu (Quảng Ninh)…

Mặc dù sở hữu hàng chục dự án bất động sản, với tổng đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Tuy nhiên, ở lĩnh vực bất động sản, cái tên Gami Group vẫn không được mấy người biết đến. Theo tìm hiểu, hầu hết các dự án lớn của Gami làm chủ đầu tư đến nay vẫn chưa được triển khai và không có nhiều thông tin được công bố về các dự án này. 

 

Theo Dân Việt/Phapluatplus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Trưởng thôn bị dân tố trộm cành cây sưa trăm tỷ ở Chương Mỹ

Hai cây sưa đỏ ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, HN) từng được định giá đến 100 tỷ đồng. Từ cuối năm 2018 UBND TP Hà Nội đã có văn bản cho phép người dân bán 2 cây sưa này để lấy tiền công ích. Trong khi chờ được bán cây, bất ngờ Trưởng thôn bị người dân tố cắt trộm cành đem bán.