Cảnh báo dịch cúm A có gia tăng, người dân không tự ý dùng thuốc Tamiflu

22/07/2022 09:47

Kinhte&Xahoi Bộ Y tế cho biết hiện có 4 dịch bệnh đang lưu hành tại Việt Nam là COVID-19, sốt xuất huyết tay chân miệng và cúm. Trong đó, các ca cúm có xu hướng tăng tại Hà Nội và các tỉnh, thành miền Bắc thời gian gần đây.

Hà Nội ghi nhận 2.065 trường hợp cúm

 Số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trong đó có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội ghi nhận 2.065 trường hợp cúm. 4 tháng đầu năm 2022, mỗi tháng ghi nhận dưới 400 ca/tháng. Từ tháng 5 số ca mắc bắt đầu tăng lên 556 ca, tháng 6 là gần 900 ca. Ca nhập viện do cúm tăng nhưng chưa ghi nhận chủng có độc lực cao.

Bệnh nhân mắc cúm A điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Bộ Y tế

Thông tin thêm về dịch cúm đang được dư luận quan tâm, TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thêm mỗi năm nước ta ghi nhận 600.000 đến 1 triệu ca cúm thường. Tại một số địa phương, một số bệnh viện tuyến cuối ghi nhận sự gia tăng của bệnh cúm.

Cụ thể, Quảng Ninh ghi nhận hơn 1.200 ca, Hà Nội hơn 2.000 ca có tăng nhẹ nhưng không ghi nhận ca có triệu chứng nặng, không có tử vong, chủ yếu là cúm thường.

"Thời gian qua nhiều tỉnh, thành ghi nhận các trường hợp cúm nhập viện gia tăng, trong đó phần lớn là các chủng cúm A không có độc lực cao như H5N1, H5N6, H5N8, H7N9. Tuy nhiên, chúng ta cần tăng cường giám sát trọng điểm, phát hiện các ca bệnh tại cộng đồng, xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh và truyền thông để người dân hiểu và dự phòng"- TS Nguyễn Lương Tâm nói.

Lý giải nguyên nhân số ca cúm A tăng, TS Nguyễn Lương Tâm phân tích, trong 2 năm dịch COVID-19, người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên số ca cúm ít.

Hiện cũng đang là thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, chính vì vậy các gia đình cần lưu ý đến các dấu hiệu của bệnh để tránh nhầm lẫn.

TS. BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tương tự các tình huống nhiễm virus khác, cúm và sốt xuất huyết đều có các dấu hiệu sốt cao, đau mỏi cơ, mệt mỏi.

Tuy nhiên có thể đánh giá phân biệt ban đầu giữa sốt xuất huyết và nhiễm cúm bằng một số đặc điểm sau. Về yếu tố dịch tễ, sốt xuất huyết xuất hiện nhiều vào mùa hè – thu; cúm thường cao điểm vào mùa đông xuân;

Trong bệnh cúm, ngoài các triệu chứng sốt cao, đau mỏi người còn có dấu hiệu viêm long đường hô hấp (ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng.

Sốt xuất huyết giai đoạn đầu sốt, đau mỏi người kèm theo có thể da xung huyết, sau ngày thứ 3 có thể có xuất huyết ngoài da kèm theo. Trong giai đoạn đầu (ngày 1-3) diễn biến bệnh ta có thể phân biệt hai bệnh trên với các dấu hiệu đã nêu. Sau 03 ngày trẻ còn sốt hoặc có các dấu hiệu bất thường nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, đánh giá và cho các xét nghiệm phù hợp.

Người dân không tự ý dùng Tamiflu

Tại phòng khám bệnh trẻ em của Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ trẻ đến khám bệnh gia tăng đáng kể so với trong thời gian dịch COVID-19 và tương đương thời cao điểm trước mùa dịch. Các vấn đề bất thường hay gặp là tình trạng sốt cao, sốt virus, viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa chiếm tỷ lệ khá cao trong các cháu bé đến khám và điều trị.

Chuyên gia Nhi khoa cho biết, xử trí trẻ nghi ngờ nhiễm cúm chủ yếu điều trị hỗ trợ như: hạ sốt, bổ sung nước điện giải, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác hoặc những người có cơ địa suy giảm miễn dịch), nằm trong môi trường thoáng khí, nhiệt độ mát. Đặc biệt quan trọng là tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm để tăng cường khả năng phòng ngừa nhiễm bệnh hoặc giảm mức độ nặng khi có nhiễm bệnh.

Gia đình cần theo dõi trẻ khi xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn cần đi khám và điều trị tại bệnh viện ngay (khó thở - thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều ...).

Các loại thuốc Tamiflu được chào bán tràn lan trên mạng

Khi số bệnh nhân mắc cúm mùa tăng nhanh đang tạo cơn sốt săn lùng thuốc Tamiflu. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng virus hoặc kháng sinh phải do các bác sĩ quyết định sau khi thăm khám và đánh giá mức độ bệnh. Do đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu, mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Bác sĩ Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng: Tamiflu là thuốc kháng virus, nhưng không giống với hầu hết kháng sinh, nó không có khả năng tiêu diệt virus cúm. Tamiflu là thuốc ức chế men neurominidase của virus cúm. Virus cúm sau khi xâm nhập vào cơ thể, đi vào tế bào và nhân đôi, sau đó men này sẽ giúp virus cúm tách ra, rời khỏi tế bào chủ và đi tìm tế bào mới. Tamiflu ức chế sự nhân lên của virus này, làm giảm sự phát tán của virus cúm trong cơ thể.

Tamiflu chỉ có hàm lượng duy nhất dùng cho người lớn và rất khó dùng cho con trẻ con. Chỉ điều dưỡng và bác sĩ mới biết cách chia liều sao cho đúng theo lứa tuổi. Phụ huynh tự mua, tự chia sẽ rất dễ quá liều và thiếu liều. Tamiflu mà dùng lung tung vô tội vạ sẽ gây kháng thuốc.

Theo các chuyên gia y tế, 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị. Ngoài thuốc Tamiflu bác sĩ sẽ dùng nhiều loại thuốc khác để phối hợp điều trị. Những trường hợp mắc cúm nhưng chỉ ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ, chụp Xquang phổi không có tổn thương thì chỉ cần điều trị ngoại trú, nâng cao thể trạng để bệnh tự khỏi.

Người dân khi có triệu chứng bệnh cúm cần đến các cơ sở khám chữa bệnh để được các bác sĩ khám bệnh và căn cứ vào mức độ bệnh theo hướng dẫn, điều trị và chẩn đoán mắc bệnh cúm mùa, nếu cần thiết mới kê đơn thuốc điều trị.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/canh-bao-dich-cum-a-co-gia-tang-nguoi-dan-khong-tu-y-dung-thuoc-tamiflu-201581.html