Cảnh báo doanh nghiệp cố tình khai sai tên và mã số hàng hóa để trốn thuế

30/03/2022 10:32

Kinhte&Xahoi Một số doanh nghiệp lợi dụng việc thông thoáng trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử để khai sai về tên hàng, mã số, vi phạm quy định về khai thuế, khai sai trị giá tính thuế...

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia dẫn báo cáo của Hải quan Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tập trung nắm tình hình, thu thập thông tin đối với các đối tượng có mức độ rủi ro cao; Theo dõi, giám sát chặt chẽ các tàu thường xuyên đến cảng Đà Nẵng, nhất là các tàu nhập cảnh từ Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore… kể cả các tàu buôn bán nội địa.

Qua nắm tình hình, Hải quan Đà Nẵng nhận thấy còn tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng việc thông thoáng trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử để khai sai tên hàng, mã số, vi phạm về khai thuế nhằm gian lận số tiền nộp thuế vẫn còn diễn ra.

Ảnh minh họa

Đơn cử, ngày 22/3 vừa qua, tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng phát hiện một doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng cáp Cat6 các loại, số lượng 11.074 cuộn, với trị giá tính thuế hơn 8,5 tỷ đồng.

Sau khi đối chiếu quy định về việc phân loại cáp Cat5e, Cat6, lực lượng Hải quan đã phát hiện doanh nghiệp khai sai tên hàng, mã số và thuế suất hàng hóa nhập khẩu dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp ngân sách Nhà nước hơn 700 triệu đồng.

Năm 2021, lực lượng chức năng Đà Nẵng cũng phát hiện một số vụ việc vi phạm nhập khẩu hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu có điều kiện của Công ty TNHH Dịch vụ Blue Island; Công ty TNHH Thiên Phú Thành Phát; Công ty TNHH Dịch vụ Hoàng Thổ; Công ty TNHH Thương mại Red Tide.

Ngoài ra, tại địa bàn cảng Đà Nẵng, cơ quan Hải quan đã phát hiện và lập chuyên án đấu tranh bắt giữ một vụ buôn bán vận chuyển trái phép động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã của Công ty TNHH Nam Thái Cường.

Cụ thể, qua theo dõi sát hành trình vận chuyển của lô hàng nghi là sừng tê giác và xương động vật hoang dã số lượng lớn nhập từ Nam Phi về Cảng Đà Nẵng dưới tên khai báo là gỗ.

Đến ngày 17/7/2021, ngay khi lô hàng cập cảng Tiên Sa, lực lượng Hải quan giám sát chặt, đồng thời chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khám xét một container chứa lô hàng nói trên.

Qua khám xét toàn bộ hàng hóa chứa trong container của Công ty TNHH Nam Thái Cường, lực lượng chức năng phát hiện 138,784kg dừng tê giác, 3.108kg xương sư tử thuộc danh mục các loài có tên trong Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES (đã có kết quả giám định).

Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng (Ảnh minh họa)

Giữa tháng 10/2021, tại cảng Tiên Sa, Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng thuộc Cục Hải quan TP Đà Nẵng cũng đã liên tiếp phát hiện các doanh nghiệp có hành vi khai sai so với thực tế về mã số hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế.

Hàng hóa vi phạm gồm: 220 chiếc thùng rác bằng nhựa, 40 chiếc nắp thùng rác bằng nhựa do Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Xây dựng Quang Sang nhập khẩu bằng đường biển từ Trung Quốc, trị giá hơn 312 triệu đồng; 5 máy tính và thiết bị điện tử của Công ty TNHH Tiếp Vận Đỏ nhập khẩu bằng đường biển từ Hồng Kông, trị giá gần 58 triệu đồng.

Hiện, các vụ việc nêu trên đã được Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Xây dựng Quang Sang được thành lập năm 2005, có địa chỉ trụ chính tại số 84 Lý Nam Đế, phường 1, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Công ty do ông Phạm Ngọc Sang (SN 1977, trú tại TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) làm Giám đốc.

Trong khi đó, Công ty TNHH Tiếp Vận Đỏ được thành lập năm 2016, có địa chỉ trụ sở chính tại số 73 Nguyễn Phước Tần, phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Công ty do bà Nguyễn Thị Ngọc Vân (SN 1978, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng làm Giám đốc).

 Hậu Lộc- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/canh-bao-doanh-nghiep-co-tinh-khai-sai-ten-va-ma-so-hang-hoa-de-tron-thue-192793.html