Cảnh giác trước 7 thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao

15/09/2022 09:29

Kinhte&Xahoi Thời gian gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo đang có xu hướng gia tăng và hoạt động tinh vi hơn. Dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vẫn “sập bẫy”, mất tiền tỉ. Để người dân chủ động phòng ngừa, Công an TP Hà Nội đã nêu ra 7 thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao.

Vẫn có nạn nhân tiếp tục bị “sập bẫy”

 Ngày 26/8 vừa qua, Công an xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của chị T (SN 1994) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online.

Theo đơn trình báo, do có nhu cầu vay tiền, chị T đã lên mạng Internet để tìm kiếm. Sau khi truy cập vào app vay tiền, chị T có đăng ký vay 30 triệu đồng. Để nhận được tiền, chị được nhân viên hướng dẫn phải đóng thêm tiền mới được giải ngân.

Sau đó, chị T đã gửi gần 200 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không lấy được khoản vay. Lúc này chị T mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Người dân cần cảnh giác trước những ứng dụng vay tiền online để tránh “sập bẫy” thủ đoạn lừa đảo

Trước đó, ngày 9/6/2022, Công an phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của chị H (41 tuổi) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online. Theo trình bày của chị H, do có nhu cầu vay tiền nên chị đã vào mạng Internet để tìm kiếm. Sau đó có 1 đối tượng liên hệ, hướng dẫn chị làm thủ tục vay 200 triệu đồng.

Để nhận được tiền, chị H phải đóng phí mới được giải ngân. Chị H đã gửi 117 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không rút được khoản vay. Lúc này, chị H mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Mới đây nhất là ngày 14/9, Công an phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã tiếp tục phát đi cảnh báo về việc xuất hiện hình ảnh giả mạo Ngân hàng Nhà nước, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao để lừa đảo và đã có người mắc bẫy.

Theo lãnh đạo Công an phường Mễ Trì, thời gian vừa qua có một số cá nhân trên địa bàn phường khi nhận được hình ảnh văn bản với nội dung chứng nhận tài sản kèm chữ ký của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Lệnh bắt giữ hình sự và phong tỏa tài sản qua Zalo đã vội vã thực hiện lệnh chuyển tiền. Thậm chí có trường hợp Công an phường đã giải thích nhưng không tin và vẫn chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.Lệnh bắt giữ hình sự và phong tỏa tài sản mạo danh Viện trưởng VKSND tối cao

Lệnh bắt giữ hình sự và phong tỏa tài sản mạo danh Viện trưởng VKSND tối cao

“Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án không mời làm việc qua mạng, qua điện thoại. Các đối tượng thường yêu cầu nghiêm cấm báo công an, chính quyền. Khi cần làm việc với người dân các cơ quan chức năng sẽ phối hợp với Công an phường chứ không tự ý liên hệ như các đối tượng trên mạng thường đe dọa”, chỉ huy Công an phường Mễ Trì nhấn mạnh.

Cảnh giác trước 7 thủ đoạn lừa đảo qua mạng

 Nhằm tiếp tục phòng ngừa loại tội phạm này, Công an TP Hà Nội đưa ra 7 phương thức các đối tượng thường dùng để phạm tội trên không gian mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Thứ nhất, các đối tượng giả mạo cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án thông báo người bị hại liên quan đến một vụ án bất kỳ hoặc bị xử phạt nguội vi phạm giao thông và yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra, xử lý, bảm đảm.

Thủ đoạn thứ hai, các đối tượng giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã pin hoặc thông tin thẻ tín dụng, thông tin công dân để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ, gửi thư điện tử, tin nhắn có chứa đường dẫn truy cập vào website của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản internet banking hoặc thông tin thẻ để nhận tiền.

Thực chất đây là các website giả mạo để lừa khách hàng cài đặt các phần mềm ứng dụng gián điệp, từ đó đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng.

Một nạn nhân khi nhận được hình ảnh giả mạo đã vội vã chuyển tiền

Thủ đoạn thứ 3, thông qua mạng xã hội, Facebook, Zalo… các đối tượng giới thiệu là người nước ngoài, kết bạn, làm quen với các phụ nữ Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu đương rồi nói đã chuyển quà như trang sức, mỹ phẩm, và số lượng lớn ngoại tệ qua đường hàng không về Việt Nam để tặng.

Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, tiếp theo, đối tượng sẽ giả danh nhân viên sân bay yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng để làm thủ tục nhận hàng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn thứ 4, đối tượng đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng.

Thủ đoạn thứ 5, tội phạm sử dụng thông tin cá nhân giả mạo đăng ký các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, sau đó tìm kiếm những người bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội để kết bạn và nhắn tin mua hàng, sau khi người bán hàng đồng ý, các đối tượng yêu cầu gửi tài khoản ngân hàng có đăng ký dịch vụ internet banking, số điện thoại và thông tin của chủ tài khoản.

Sau khi nhận được thông tin, đối tượng sẽ sử dụng sim rác nhắn tin đến số điện thoại của chủ tài khoản với nội dung: “Tài khoản của bạn đã được cộng một số tiền, để nhận được tiền bạn hãy truy cập vào trang website có đường dẫn ở cuối tin nhắn và nhập đầy đủ thông tin như tên tài khoản, số tài khoản, mã OTP để hoàn tất thủ tục nhận tiền”.

Khi bị hại nhập thông tin và mã OTP thì các đối tượng chiếm được quyền sử dụng tài khoản ngân hàng đó và rút toàn bộ số tiền trong tài khoản của bị hại chuyển đến tài khoản khác để chiếm đoạt.

Thủ đoạn thứ 6, các đối tượng lừa đảo sử dụng sim điện thoại khuyến mại hoặc thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo mạo danh các công ty viễn thông gửi tin nhắn thông báo khách hàng trúng các phần thưởng có giá trị (như xe máy, điện thoại có giá trị...), số lượng lớn tiền mặt rồi yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào tài khoản ngân hàng bọn chúng chuẩn bị từ trước hoặc mua các thẻ cào điện thoại để chuyển tiền làm thủ tục nhận thưởng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn thứ 7, các đối tượng giả danh các tổ chức tín dụng quảng cáo cho vay tiền dễ, với nhiều ưu đãi làm cho người dân tin; Sau đó yêu cầu người bị hại chuyển tiền “phí bảo hiểm khoản vay” để chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng lừa đảo mạo danh Bộ Giao thông vận tải nhắn tin nộp phạt

Qua đó, cơ quan Công an khuyến cáo, người dân không công khai các thông các tin cá nhân lên các trang mạng xã hội. Khi chia sẻ thông tin, cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai, thông tin giới hạn người xem.

Cảnh giác những chiêu trò nhận thưởng qua mạng mà yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng; Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền lớn, những món quà đắt tiền.

Cảnh giác với những website giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, website ngân hàng. Chỉ nên nhập thông tin tài khoản ngân hàng trên các trang web chính thức của ngân hàng có uy tín. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại, người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ, người dân cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin với người nhà, không trao đổi qua tin nhắn.

Các cá nhân có nhu cầu chuyển, nhận tiền từ nước ngoài về chỉ gửi, nhận thông tin qua ngân hàng có uy tín, không sử dụng các dịch vụ chuyển đổi tiền quốc tế của cá nhân không hợp pháp.

 Thành Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/canh-giac-truoc-7-thu-doan-lua-dao-cua-toi-pham-cong-nghe-cao-205736.html