Chậm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tiếp tục một năm lỡ hẹn

02/11/2021 07:52

Kinhte&Xahoi Việc triển khai công tác cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp trong năm 2021 vấp phải nhiều khó khăn vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm chuyển đổi về sở hữu trong các doanh nghiệp nhà nước, tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển. Song tiến độ CPH luôn chậm, không đạt kế hoạch đề ra và "điệp khúc" này kéo dài từ năm này sang năm khác.

Nhiều doanh nghiệp CPH ngoài kế hoạch

Mới đây, Chính phủ đã có Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2020.

Hình ảnh có tính chất minh họa (Nguồn: Báo Đấu Thầu)

Đáng chú ý, Báo cáo có đề cập đến nội dung liên quan đến kết quả thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Về tình hình triển khai CPH, lũy kế giai đoạn 2016 – 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là trên 489.960 tỷ đồng.

Giá trị vốn hóa Nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã CPH, chỉ cố 39/128 doanh nghiệp CPH thuộc danh mục CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt 30% kế hoạch.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp chưa hoàn thành CPH trong năm 2020 là 89 doanh nghiệp; những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện CPH trong năm 2020 có thể kể đến như:

TP Hà Nội CPH 13 doanh nghiệp (4 Tổng Công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP HCM CPH 38 doanh nghiệp (11 Tổng Công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp CPH 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, Tổng công ty); Bộ Công thương CPH 2 doanh nghiệp (1 Tổng công ty); Bộ Xây dựng CPH 2 Tổng công ty…

Đánh giá về tồn tại hạn chế trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đánh giá việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch CPH chậm, chưa đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời.

Công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch CPH doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quan tâm nghiêm túc như số lượng doanh nghiệp CPH đã vượt kế hoạch đề ra, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp CPH ngoài kế hoạch nhiều hơn số lượng doanh nghiệp CPH theo kế hoạch. (Có 141/180 doanh nghiệp CPH ngoài kế hoạch và 39/180 doanh nghiệp CPH thuộc kế hoạch CPH giai đoạn 2017 - 2020)

Ngoài ra, một số đơn vị đăng ký danh sách thực hiện CPH, thoái vốn nhiều nhưng không triển khai theo kế hoạch. Việc quyết toán CPH chưa được thực hiện nghiêm túc, còn để kéo dài tại một số doanh nghiệp sau CPH.

Số doanh nghiệp cổ phần hoá thấp kỷ lục, lại một năm lỡ hẹn

Đáng chú ý, tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước năm 2021 được cho là “ì ạch” nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tính đến hết năm 2020, vẫn còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành CPH và số doanh nghiệp này sẽ cộng dồn sang giai đoạn sau.

Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Hình ảnh có tính chất minh họa - nguồn: Tạp chí Tài chính)

Từ đầu năm 2021 đến nay, Cục Tài chính Doanh nghiệp – Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án CPH của ba doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam với tổng giá trị là 252 tỷ đồng.

Cả ba đơn vị này đều không thuộc danh mục doanh nghiệp CPH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy đến nay, vẫn còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành CPH theo kế hoạch CPH tại công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Cục Tài chính Doanh nghiệp, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng thị trường tài chính, chứng khoán cũng như khả năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư, dẫn đến việc tổ chức công tác CPH và tổ chức thoái vốn nhà nước không đạt như kỳ vọng. TP HCM có thời gian dài phải giãn cách xã hội trong khi hai địa phương này chiếm 60% số doanh nghiệp phải CPH, thoái vốn theo kế hoạch còn lại của giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ định giá, tư vấn cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, chưa thể triển khai thực hiện công tác thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn nhà nước theo quy định.

Do đó, nguồn thu từ CPH, thoái vốn nộp về quỹ trong ba quý vừa qua chỉ đạt 366 tỷ đồng, không đáp ứng yêu cầu thu từ CPH, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Trung ương năm 2021 theo kế hoạch là 40 nghìn tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2022, dự kiến nguồn thu từ CPH, thoái vốn sẽ cân đối 20 nghìn tỷ đồng cho ngân sách Trung ương nếu triển khai thành công theo đúng các danh mục doanh nghiệp thoái vốn và nộp toàn bộ về ngân sách nhà nước.

Các doanh nghiệp thuộc danh mục CPH, thoái vốn gồm Tập đoàn FPT; Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong; Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam; Tập đoàn Bảo Việt và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco)…

Lê Hải - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/cham-co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-tiep-tuc-mot-nam-lo-hen-d169842.html