Chỉ tái đàn vật nuôi khi an toàn phòng dịch

15/02/2022 09:18

Kinhte&Xahoi Việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho đàn vật nuôi không chỉ góp phần ổn định nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu. Do đó, để bảo vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi, người dân cần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, kiểm soát tốt việc tái đàn trong thời điểm hiện nay.

Nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn ở mức cao

Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021 vừa qua, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển.

Cụ thể, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 125 xã của 33 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy tổng số 457 nghìn con gia cầm (chiếm 0,09% tổng đàn gia cầm) với các chủng virus cúm A/H5N6, A/H5N1, riêng chủng virus cúm A/H5N8 (xuất hiện tại Việt Nam tháng 6/2021 ở 15 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 47.000n con gia cầm). Từ đầu năm 2022 đến nay, phát sinh 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Quế Mỹ và xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) với tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 4.000 con.

Về dịch lở mồm long móng, năm 2021, bệnh xảy ra tại 89 xã của 18 tỉnh, thành phố với số gia súc mắc bệnh 3.407 con, số tiêu hủy là 349 con, giảm 2,3 lần số ổ dịch, số gia súc mắc bệnh giảm 2,4 lần so với năm 2020. Hiện cả nước hiện không còn ổ dịch lở mồm long móng.

Do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp nên người dân cần đề phòng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Đối với dịch tả lợn Châu Phi, năm 2021 xảy ra tại 3.154 xã của của 60 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 288.668 con lợn (cao gấp 3,2 lần so với năm 2020). Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 321 xã của 31 địa phương, buộc tiêu hủy 19.628 con lợn. Riêng dịch tai xanh trên lợn đã cơ bản được kiểm soát tốt, không có báo cáo về ổ dịch tai xanh mới phát sinh tại các địa phương...

Năm 2021, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung từ ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản vẫn tiếp tục đạt được kết quả tốt. Các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tiếp tục được kiểm soát, đặc biệt không để các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi xâm nhập vào Việt Nam. Diện nuôi trồng thủy sản bị nhiễm bệnh khoảng 5.608ha, giảm 33 về diện tích so với năm 2020.

Hiện cả nước có khoảng 3.700 cơ sở, trang trại chăn nuôi và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi lợn đã xây dựng thành cơ sở, trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Mặc dù công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được triển khai khá tốt song thời điểm hiện tại đang giao mùa, lạnh, ẩm làm giảm sức đề kháng đàn vật nuôi nên nguy cơ bùng phát và lây lan dịch trên đàn vật nuôi vẫn rất cao.

Thận trọng khi tái đàn vật nuôi

 Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và dịch bệnh trên đàn vật nuôi song các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi vẫn nỗ lực tăng tổng đàn, cung cấp lượng lớn sản phẩm các loại cho thị trường. Nhờ đó, những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tuy nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao nhưng nguồn cung vẫn được bảo đảm, giá cả tương đối ổn định.

Thời điểm này, đàn gia súc, gia cầm giảm đáng kể do phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết. Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi đang tập trung tái đàn. Nhiều hộ đang đẩy mạnh việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tìm mua con giống, phát triển đàn mới...

Từ nay đến tháng 3/2022, trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Hưng Thỉnh dự kiến tăng tổng đàn lợn lên hơn 200 con

Theo ông Nguyễn Hưng Thỉnh ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), trong dịp Tết Nguyên đán, trang trại của gia đình đã bán ra thị trường hơn 10 tấn thịt lợn, chiếm 50% tổng đàn. Từ nay đến tháng 3/2022, trang trại tập trung thực hiện tái đàn chăn nuôi, dự kiến tăng tổng đàn lợn lên hơn 200 con.

“Trước khi tái đàn, tôi đã vệ sinh toàn bộ chuồng trại cũng như các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa điều kiện phát sinh dịch bệnh. Đối với con giống, sau khi kiểm tra hồ sơ kiểm định chất lượng, tôi sẽ nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi trước khi cho nhập đàn”, ông Nguyễn Hưng Thỉnh nhấn mạnh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn, hiện nay các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã đang đẩy mạnh tái đàn gia súc, gia cầm. Nhìn chung, công việc khá thuận lợi do tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tính đến hết tháng 1/2022, tổng đàn trâu, bò của Hà Nội là 171.251 con; Đàn lợn hơn 1,5 triệu con; Đàn gia cầm hơn 32,6 triệu con… cơ bản bảo đảm nguồn cung cho thị trường Thủ đô.

Để công tác tái đàn vật nuôi đạt hiệu quả cao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ chăn nuôi cần duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn cung con giống phục vụ nhu cầu tái đàn. Các hộ chăn nuôi nên nghiên cứu kỹ thị trường để có kế hoạch tái đàn phù hợp, duy trì chăn nuôi ở mức hợp lý, tránh tình trạng cung vượt quá cầu.

“Khi tái đàn vật nuôi, người dân cần chọn con giống tốt, sạch bệnh; Đồng thời vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan chức năng… Ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tham mưu thành phố có chính sách đặc thù (ưu đãi về cơ chế, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn lực) giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình phát triển chăn nuôi an toàn”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

Việc tái đàn chăn nuôi là cần thiết để bảo đảm nguồn cung cho thị trường sau Tết song người chăn nuôi cần thận trọng và có kế hoạch cụ thể trong công tác tái đàn; Chỉ nên tái đàn khi bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học để phòng dịch bệnh. Người dân cần nghiên cứu kỹ thông tin, theo dõi tín hiệu thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất, không tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi ồ ạt dẫn đến nguồn cung vượt quá nhu cầu thị trường.

 Khắc Nam - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngang nhiên xây tường rào bít mặt tiền, cổng nhà hàng xóm?

Bức tường cao 2m, dài 7m chình ình ngay trước mặt tiền ngôi nhà của người dân tại ngách 52/28 Tô Ngọc Vân, P.Quảng An, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội khiến chính quyền địa phương lúng túng trong việc xử lý. Vụ việc kéo dài khiến người dân chật vật đi lại không thể dọn đến nơi ở mới, gây bất bình dư luận.

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chi-tai-dan-vat-nuoi-khi-an-toan-phong-dich-189886.html