Chiếc xe "thần sấm" sẽ ra sao khi kẻ cướp ngân hàng bị bắt giữ?

10/01/2022 09:53

Kinhte&Xahoi Trong vụ án nghi phạm cướp 3 tỷ đồng ở ngân hàng rồi bỏ ra hơn 700 triệu mua chiếc xe máy được mệnh danh "thần sấm", dư luận băn khoăn số phận chiếc xe sẽ như thế nào?

Lễ bàn giao xe cho Nam (Ảnh: Báo Dân trí)

Mới đây, vụ án cướp ngân hàng ở Hải Phòng đang thu hút sự chú ý của dư luận những ngày qua do có tình tiết tên cướp sau khi gây án đã bỏ ra khoản tiền hơn 700 triệu đồng mua chiếc xe phân khối lớn Kawasaki ZX-10R. Chiếc xe này được mệnh danh là "thần sấm".

Được biết, nghi phạm vụ cướp ngân hàng là Nguyễn Văn Nam (trú Cát Hải, TP Hải Phòng).

Sự việc đã nảy sinh tình huống pháp lý được nhiều người quan tâm và thắc mắc, vậy việc xử lý với chiếc xe phân khối lớn Kawasaki ZX-10R này sẽ như thế nào?

Theo Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị cho biết: Sau khi cướp Ngân hàng, Nguyễn Văn Nam sử dụng một phần số tiền để mua xe máy. Số tiền khoảng 700 triệu mua xe máy được xác định là tiền bị người phạm tội chiếm đoạt. Với số tiền này Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành các biện pháp tố tụng yêu cầu đơn vị bán xe hiện đang cầm giữ số tiền này phải giao nộp dưới dạng vật chứng của vụ án hình sự. Theo khoản 2 điều 47 Bộ luật hình sự quy định: Đối với tiền bị người phạm tội chiếm đoạt thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Như vậy Ngân hàng là người bị hại trong vụ án này sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng trả lại số tiền trên.

Đối với chiếc xe máy là vật ý nghĩa với việc giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng cũng tiến hành thu giữ, niêm phong, bảo quản dưới dạng vật chứng của vụ án hình sự. Việc xử lý chiếc xe máy này sẽ được giải quyết như sau: Trả lại xe cho đơn vị bán xe nếu cơ quan tiến hành tố tụng xét thấy việc trả lại xe không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án với căn cứ tại điểm b, khoản 3, điều 106 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên việc trả xe này chỉ thực hiện được nếu Nguyễn Văn Nam đồng ý, không phản đối không có tranh chấp. Trong trường hợp Nguyễn Văn Nam có tranh chấp với đơn vị bán xe thì việc tranh chấp này được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Đơn vị bán xe sẽ phải yêu cầu tuyên bố Hợp đồng mua bán xe bị vô hiệu do vi phạm điều cấm, cụ thể là người mua đã sử dụng số tiền do phạm tội mà có, số tiền không hợp pháp để mua xe. Việc cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết được phần dân sự- trả lại xe cho đơn vị bán xe trong quá trình giải quyết vụ án hình sự sẽ đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi của đơn vị bán xe.

 Thanh Bình - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/chiec-xe-than-sam-se-ra-sao-khi-ke-cuop-ngan-hang-bi-bat-giu-d174478.html