Chính thức thông qua nghị quyết giảm thuế môi trường với xăng dầu về mức sàn

06/07/2022 14:35

Kinhte&Xahoi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí 100% thông qua Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn về mức sàn.

Sáng 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường đã xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Theo tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 như sau: Xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa vẫn giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Từ ngày 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường về mức sàn trong biểu khung thuế bảo vệ môi trường theo Luật Thuế bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết nhằm góp phần bình ổn và tiếp tục giảm mức tăng giá xăng, dầu trong nước trước bối cảnh biến động của tình hình giá xăng, dầu thế giới, góp phần vào thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như giải quyết khó khăn cho đời sống người dân và doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường đã xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn (Ảnh: Media Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị có thêm đánh giá tác động của việc giảm thuế bảo vệ môi trường đến việc giảm giá xăng dầu trên thực tế. Bởi tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu so với các nước là thấp. Cho nên tác động của việc giảm thuế chưa chắc đã tác động lớn đến giảm giá. Ngoài ra, tác động đến ngân sách nhà nước cũng cần được xem xét.

Liên quan đến hiệu lực của nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng nghị quyết này có hiệu lực càng sớm càng tốt để có thể hỗ trợ ngay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, cũng phụ thuộc vào điều hành nữa của Chính phủ.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị nếu kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo sớm hơn ngày 15/7 thì có thể lấy mốc có hiệu lực của nghị quyết từ kỳ điều hành tiếp theo; nếu kỳ điều hành giá của Chính phủ sau ngày 15/7 thì lấy ngày có hiệu lực của nghị quyết là từ ngày 15/7.

Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, cần thiết phải giảm thuế xăng, dầu để góp phần vào việc giảm giá xăng, dầu, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp và cho rằng để bảo đảm kịp thời thì nên quy định nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2022.

Nhất trí với đề xuất của Chính phủ song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết mức giảm hiện nay đối với thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng dầu không đáng kể.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, trong nghị quyết chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công thương có đưa ra vấn đề về cấu thành giá xăng dầu, ngoài thuế phí ra còn các chi phí khác, chi phí định mức tiêu hao. Do đó, Chính phủ cũng phải cân nhắc để xem các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở của giá xăng dầu để có chính sách điều hành và tiếp tục giảm giá xăng dầu xuống.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, căn cứ vào tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu như đề nghị của Chính phủ.

Đồng thời, thống nhất thời hạn áp dụng Nghị quyết là ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Từ 1/1/2023 sẽ áp dụng thuế bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14, nếu không có trường hợp gì đặc biệt. Khi nghị quyết này được ban hành sẽ thay thế cho Nghị quyết 13/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét để nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc MFN; Đồng thời, khẩn trương xem xét, nghiên cứu đối với những vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu.

Trong trường hợp giá cả xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn neo ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế thì Chính phủ sớm nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ngoài việc cắt giảm thuế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể có những chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao các ngư dân đánh bắt thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người thu nhập thấp.

Trong đó, lãnh đạo Quốc hội lưu ý Chính phủ cần chủ động có những kịch bản nghiên cứu để ứng phó cho phù hợp; Đồng thời tiếp tục rà soát lại các yếu tố cấu thành cơ cấu giá xăng, dầu theo các nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn.

Theo tính toán của Bộ Tài chính trên cơ sở dự kiến sản lượng tiêu thụ như năm 2019, nếu thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong khung thuế như đề xuất nêu trên thì ước giảm thu ngân sách Nhà nước bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng.

Trường hợp nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 thì ước giảm thu ngân sách Nhà nước (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) khoảng 7.000 tỷ đồng. Theo đó, tổng giảm thu ngân sách Nhà nước do việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 khoảng 32.538 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn như đề xuất và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 21/6/2022 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 20,47% đối với xăng E5RON92, khoảng 21,41% đối với xăng RON95 và khoảng 11% đối với dầu diesel. 

Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chinh-thuc-thong-qua-nghi-quyet-giam-thue-moi-truong-voi-xang-dau-ve-muc-san-200363.html