“Chợ” văn bằng

06/08/2019 10:36

Kinhte&Xahoi Để thu hút nhiều khách hàng, nhà trường tổ chức liên kết với các trung tâm đào tạo cung cấp người có nhu cầu, kiểu như các đại lý bán hàng vậy.

Việc Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô và 3 cộng sự bị khởi tố với tội danh “Giả mạo trong công tác” đã phát lộ “công thức chế biến” bằng giả thành thật, cách hợp pháp hóa chuyện mua bán bằng và làm sâu sắc thêm khái niệm “đánh trống, ghi tên” vốn rất thịnh hành trong việc đào tạo tại chức, chuyên tu, lấy văn bằng 2 từ trước đến nay.

Hình minh họa.

Đây thực sự là “cái chợ” mua bán văn bằng công khai được thực hiện theo phương thức cũng rất kinh doanh, thương mại, “tiền trao, cháo múc” sòng phẳng. Hoạt động quảng cáo, tiếp thị diễn ra rầm rộ trên các trang mạng điện tử cho việc lấy văn bằng 2 cử nhân tiếng Anh “có giá trị vĩnh viễn” trong tuyển chọn công chức, nâng bậc, đầu vào của thạc sỹ, đầu ra của nghiên cứu sinh,... đánh trúng vào tâm nguyện của nhiều người cần phải có tấm bằng ngoại ngữ để tiến thân, giữ chỗ, lấy học hàm, học vị.

Tiền cho một cái bằng đó cũng rất rõ ràng, trên dưới 30 triệu đồng, tùy theo nơi đăng ký học và được tổ chức thi như thật với đáp án cho sẵn chỉ việc chép. Để thu hút nhiều khách hàng, nhà trường tổ chức liên kết với các trung tâm đào tạo cung cấp người có nhu cầu, kiểu như các đại lý bán hàng vậy.

Lực lượng môi giới, “cò mồi” cũng giúp sức tối đa, đẩy giá một văn bằng như thế lên từ 50 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Ghi danh, thi tuyển đầu vào như thật và không cần có một động thái gì thêm, sau một thời gian vài tháng, khách hàng nhận được tấm bằng mà mình đã bỏ tiền ra mua một cách hợp thức và hợp pháp.

Hành vi của ông Hiệu trưởng và các cộng sự cấp dưới của ông rõ ràng đã vi phạm pháp luật không cần bàn cãi. Cái đáng nói là cho dù các bị can này có đầu óc kinh doanh tài ba đến cỡ nào cũng không thể mở được “cái chợ” văn bằng nếu không có người mua.

Những người mua này hoàn toàn không có ai là dân thường hoặc tiểu thương chợ búa gì cả mà những cán bộ, công chức nhà nước, giảng viên đại học, nghiên cứu sinh,... Họ chấp nhận con đường giả dối, mua bằng tiền để tiến thân.

Đó mới là hậu quả nghiêm trọng khi bộ máy nhà nước, hệ thống giáo dục, đội ngũ giáo sư, tiến sỹ,... được điều hành và hoạt động bằng chính những người đã mua bằng. Vụ án này cần mở rộng, không chỉ đối với những người liên can mà cả ở các cơ sở đào tạo khác cũng có “cái chợ” kiểu này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus