Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tấm gương trong thời bình của các gia đình thương binh, liệt sĩ góp phần vinh danh hai tiếng Việt Nam

24/07/2022 14:04

Kinhte&Xahoi Sáng 24/7, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2022) và Tuyên dương đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022.

Tham dự lễ kỷ niệm có: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Các ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Dự buổi lễ còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm

Đặc biệt, buổi lễ có sự tham dự của 450 đại biểu người có công với cách mạng là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT Nhân dân, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công trong cả nước.

Công tác chăm sóc người có công đạt nhiều kết quả quan trọng

 Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: 75 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước triển khai, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Đặc biệt, đã rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng trong cả nước, trình Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Đến nay, chỉ tiêu hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi trú đạt 98,6%. Bản thân người có công với ý chí tự lực, tự cường đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong học tập, lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu...

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, 450 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu năm nay được lựa chọn từ cơ sở, là những điển hình trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, là những người cả cuộc đời đi tìm hài cốt đồng đội hay gắn bó với anh linh các liệt sĩ.

Họ là những người mẹ, người vợ, người con trung hậu đảm đang; Là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học và những thương binh, bệnh binh tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt, hình mẫu trong cuộc sống đời thường,… những người không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng đất nước.

Đặc biệt, trong số các đại biểu tham dự buổi gặp mặt có 41 đại biểu là người dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Ba Na, Pa Kô, Cơ Tu, Cor, Giẻ-Triêng, H’rê, Khmer, Raglai.

"Hôm nay, chúng ta vui mừng được chào đón 3 đại biểu là lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 14 Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, vui mừng được chào đón 8 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 300 thương binh, bệnh binh, 73 thân nhân liệt sĩ và các đại biểu người có công với cách mạng khác..."- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng

Mãi mãi tự hào về ý chí quật cường của thế hệ cha ông

 Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.

Chủ tịch nước nêu rõ, chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương thể chất và tinh thần vẫn còn hằn trên thân thể của những người thương binh và gia đình của những liệt sĩ. Những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn những giá trị của hòa bình.

Chủ tịch nước đánh giá cao nhiều tấm gương trong gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, sản xuất, kinh doanh giỏi, phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con, cháu trưởng thành; Đồng thời tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, lan tỏa tình yêu thương, nhân ái trong xã hội.

Những tấm gương bình dị mà cao cả, tỏa sáng, nhất là trong lúc thiên tai, dịch bệnh, góp phần làm rạng rỡ, vinh danh hai tiếng Việt Nam, được bạn bè quốc tế trân trọng ghi nhận và khâm phục đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Nhấn mạnh đạo lý tốt đẹp truyền thống nghìn đời của dân tộc Việt Nam là “uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, Chủ tịch nước nêu rõ, 75 năm qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Cả nước đã huy động nguồn lực to lớn từ ngân sách và cả cộng đồng, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như tặng nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, con liệt sĩ, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng… Những hoạt động này thể hiện tình cảm trách nhiệm mang lại hiệu quả to lớn cho xã hội.

Thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người có công đã được ban hành, được thực hiện đồng bộ, đa dạng; Đối tượng, chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung. Mới đây, Nhà nước đã dành trên 400 tỷ đồng tặng quà cho người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.

"Người dân Việt Nam sẽ mãi mãi ghi nhớ, mãi mãi tự hào về ý chí quật cường của thế hệ cha ông viết lên những bản hùng ca "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh", mang lại nền độc lập hoà bình ngày hôm nay" - Chủ tịch nước khẳng định.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đại tướng Phan Văn Giang tặng quà tri ân các thương bệnh binh và người có công

Biểu dương các ban, Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian tới, để triển khai công tác đền ơn, đáp nghĩa có chiều sâu, thực chất và hiệu quả, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các cấp các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội và mỗi người dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực, thường xuyên, liên tục với phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự và mệnh lệnh từ trái tim.

Cùng với đó, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công, xây dựng xã hội giàu lòng nhân ái, nhân văn, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước...

Một tiết mục văn nghệ tại chương trình

Chủ tịch nước cũng đề nghị thường xuyên tổng kết thực tiễn, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nâng cao chất lượng, kịp thời khen thưởng, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phong trào; Phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân người có công với cách mạng đã nêu cao phẩm chất cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên trong công tác, chiến đấu, lao động và học tập, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công...

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng quà đại diện đại biểu người có công với cách mạng, tặng hoa các Mẹ Việt Nam Anh hùng.

 Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tam-guong-trong-thoi-binh-cua-cac-gia-dinh-thuong-binh-liet-si-gop-phan-vinh-danh-hai-tieng-viet-nam-201775.html