Chủ tịch Quốc hội: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như yếu tố "bất biến" để ứng với "vạn biến"

18/09/2022 10:43

Kinhte&Xahoi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Bài học thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm qua có thể nói rằng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến’’ để ứng với “vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự diễn đàn

Sáng 18/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững’’ đã chính thức khai mạc. Diễn đàn được tổ chức với sự tham gia đồng chủ trì của 4 cơ quan Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Tham gia chủ tọa và điều hành phiên khai mạc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Diễn đàn còn có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, đại diện các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân trong và ngoài nước.

Ban hành các quyết sách mạnh mẽ, ứng phó kịp thời với bối cảnh, tình hình mới

 Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các Diễn đàn kinh tế Mùa xuân, Mùa thu Quốc hội khóa XII, XIII và Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 của Quốc hội khóa XV là phương thức rất quan trọng để huy động và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các quyết sách của Quốc hội.

Nhiều gợi ý chính sách tại diễn đàn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt, ứng phó kịp thời với bối cảnh, tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội điểm lại những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Trung ương, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả rất tích cực, quan trọng.

Tuy vậy, tình hình kinh tế, xã hội đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn rất nhiều thách thức.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo. Bài học thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm qua có thể nói rằng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “ bất biến’’ để ứng với “ vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế".

Xuất phát từ tình hình đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc, quyết định lựa chọn vấn đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" làm chủ đề cho Diễn đàn năm 2022 và điều chỉnh tên gọi là Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2022 để bảo đảm tính toàn diện và sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.

Để đạt được các mục tiêu của diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, đánh giá, làm rõ thực trạng, bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ khu vực, thế giới; Dự báo xu hướng trung hạn, dài hạn; phân tích, đánh giá những tác động, cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, 2023 và giai đoạn tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc diễn đàn

Các đại biểu cần phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng kinh tế, xã hội, nhất là tình hình kinh tế vĩ mô, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, dự báo cho cả năm 2022, 2023. Các đại biểu chỉ rõ các thành tựu, kết quả đã đạt được và cảnh báo những rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính cả ở khu vực kinh tế thực (tăng trưởng kinh tế và lạm phát khu vực doanh nghiệp phi tài chính, thị trường bất động sản), khu vực kinh tế đối ngoại (tỷ giá, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối), khu vực tài chính tiền tệ (quy mô và cấu trúc các thị trường tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm) và rủi ro, bất ổn trong chính sách tài khóa (quy mô, cơ cấu nợ công, cân đối ngân sách nhà nước...)

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý thảo luận về tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết 43/NQ/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; Việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và phối hợp chính tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Từ kinh nghiệm quốc tế, đề xuất chính sách cho Việt Nam trong củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực chống chịu và tự cường của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội bền vững trong năm 2023 và định hướng cho cả nhiệm kỳ 2021-2025. Các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong hoạch định và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật, thể chế, chính sách của Nhà nước.

Chìa khoá để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục “lội ngược dòng”

 Dẫn đề diễn đàn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết, chúng ta đang đứng trước tình hình thế giới và trong nước thay đổi rất nhanh, nhiều biến động, bất ổn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo. Tuy đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đa số nước đã nới lỏng các quy định phòng, chống dịch song trên thực tế, dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, hệ luỵ đối với các mặt đời sống xã hội còn nặng nề. Đặc biệt, môi trường phát triển và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới thật sự đang đối mặt với rất nhiều bất lợi, khó khăn.

Điều hết sức đặc biệt là, ngược dòng bên ngoài, kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ đại dịch bùng phát mạnh và trong gần 9 tháng qua duy trì được đà tăng trưởng rất khả quan, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát có hiệu quả lạm phát.

Quang cảnh diễn đàn

Về xuất khẩu, sức ép lạm phát chi phí đẩy có xu hướng giảm nhờ giảm giá dầu thô và giá các đầu vào chiến lược của nền kinh tế, nên giá các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh cao.

Về đầu tư, tuy chiếm tỷ lệ không quá cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng vốn đầu tư công lại có vai trò rất quan trọng, là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và các dòng vốn đầu tư tư nhân.

Ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời ứng phó chủ động, linh hoạt với sự thay đổi nhanh chóng là chìa khoá để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục “lội ngược dòng” thành công và duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động.

Đối với chính sách tiền tệ, lạm phát hiện nay vẫn đang ở mức thấp. Đối với quản lý, điều hành giá cả thị trường, cần hết sức chú trọng quản lý giá cả của những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhìn nhận, ở góc độ tổng thể với tầm bao quát dài hạn hơn, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô không chỉ nằm ở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay quản lý, điều tiết giá cả mà còn nằm ở việc tháo gỡ những điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành thông suốt. Các doanh nghiệp tự tin đưa ra các quyết định kinh doanh và đầu tư, khơi thông dòng chảy trên thị trường và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội.

"Giải phóng các nguồn lực và mở rộng các động lực tăng trưởng trong nước cần trở thành cách tiếp cận mới để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh thế giới đang biến động nhanh chóng, có nhiều tác động tiêu cực", Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chu-tich-quoc-hoi-bao-dam-on-dinh-kinh-te-vi-mo-nhu-yeu-to-bat-bien-de-ung-voi-van-bien-205998.html