Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Sửa đổi Luật Thủ đô với tầm nhìn bao quát, tạo động lực phát triển mạnh mẽ và toàn diện

31/10/2021 09:44

Kinhte&Xahoi Từ quá trình tổng kết thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hà Nội phải rà soát, xác định rõ phạm vi sửa đổi của Luật Thủ đô có tầm nhìn bao quát hơn, rộng hơn so với Luật hiện hành; Bảo đảm tương xứng với vị thế, vai trò của Thủ đô Hà Nội trong tiến trình phát triển của đất nước, đồng thời cũng phải tạo được động lực phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn theo phương châm “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

Chiều muộn 30/10, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Đại biểu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các ban Đảng Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND TP, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP...

Quang cảnh hội nghị

Sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô để giải quyết những hạn chế, bất cập

 Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đã xác định việc “đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững” là nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ 2020-2025.

Do đó, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Ban Cán sự Đảng UBND TP chủ trì tổ chức triển khai nhiệm vụ tổng kết thi hành Luật Thủ đô và đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đến nay, việc hoàn thiện báo cáo tổng kết và việc rà soát hoàn thiện chính sách đang được lãnh đạo UBND TP tập trung chỉ đạo các Sở, ngành thực hiện, thông qua các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và TP, các chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực.

Song song với đó, Hà Nội cũng đang tổng kết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020, nghiên cứu, đề xuất Báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045; Triển khai lập Quy hoạch TP, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ).

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo tại hội nghị

Từ kết quả tổng kết, Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật Thủ đô; Tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và mong muốn của Nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, quan điểm chỉ đạo của Thành ủy đối với việc đề xuất xây dựng Luật Thủ đô là phải bảo đảm: Đúng đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; Tuân thủ Hiến pháp; Bảo đảm sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước, lợi ích quốc gia dân tộc, quyền con người, quyền làm chủ của Nhân dân; Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền Thủ đô và sự chỉ đạo điều hành tập trung, thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; Kế thừa, phát huy những giá trị của Luật Thủ đô hiện hành.

Định vị đúng vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội

 Thảo luận tại hội nghị, đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, từ sớm, từ xa của Thành ủy Hà Nội triển khai tổng kết, đề xuất định hướng sửa đổi Luật Thủ đô; Quá trình thực hiện đã thể hiện sự thận trọng, cầu thị và chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và các Ủy ban của Quốc hội.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với đề xuất của Hà Nội về việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô và nêu rõ, với tinh thần chủ động, thực hiện vai trò dẫn dắt hoạt động lập pháp, Quốc hội Khóa XV đã xây dựng định hướng chiến lược lập pháp cho cả nhiệm kỳ và đã được Bộ Chính trị thông qua với 137 nhiệm vụ; Trong đó, đã có nhiệm vụ sửa đổi Luật Thủ đô.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Hà Nội đang tiến hành tổng kết song song việc thi hành Luật Thủ đô, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020; Triển khai lập Quy hoạch TP, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Hà Nội cũng cần tổng kết thêm cả việc thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân hàng đặc thù đối với thành phố Hà Nội, để từ đó, đánh giá tổng thể, toàn diện nền tảng thể chế chính sách, pháp luật đối với sự phát triển của TP.

Gợi mở một số vấn đề nghiên cứu trong quá trình tổng kết, đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải “định vị” đúng vai trò, vị thế đặc biệt của Thủ đô Hà Nội là “trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước...

Hà Nội còn là kinh đô nghìn năm văn hiến với dấu ấn hết sức đậm nét của lịch sử, của di sản, văn hóa truyền thống. Tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội hiện mới chỉ đạt khoảng 49 - 50% nên dư địa để phát triển nhanh hơn, nhất là phát triển đô thị theo không gian ngầm, trên không còn rất lớn. Nguồn lực của Hà Nội, nhất là nguồn lực về tài chính, đất đai, con người, khoa học, công nghệ… cũng rất lớn.

Phạm vi sửa đổi bao quát hơn

 Từ quá trình tổng kết thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội phải rà soát, xác định rõ phạm vi sửa đổi của Luật Thủ đô có tầm nhìn bao quát hơn, rộng hơn so với Luật hiện hành; Bảo đảm tương xứng với vị thế, vai trò của Thủ đô Hà Nội trong tiến trình phát triển của đất nước, đồng thời cũng phải tạo được động lực cho Thủ đô phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn theo phương châm “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

Theo đó, ngoài các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển toàn diện cần tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá mạnh mẽ hơn nữa cho Thủ đô, giúp Hà Nội huy động và phát huy tối đa các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững hơn, trở thành TP kết nối toàn cầu, động lực phát triển của vùng, của đất nước.

Hà Nội nghiên cứu có các quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn có tính đặc thù và phương thức hoạt động, cơ chế vận hành, quản trị thành phố theo hướng “xanh - thông minh - hiện đại”, xây dựng chính quyền số, chính quyền đô thị hiện đại, chuyên nghiệp, tăng cường phân cấp, giao quyền cho địa phương…

Sửa đổi Luật Thủ đô cũng phải có tầm nhìn dài hạn theo các mốc thời gian đã được xác định trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tiếp thu

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Hà Nội cần tham khảo kinh nghiệm của các nước về việc xây dựng Luật Thủ đô, có phải nước nào cũng có Luật Thủ đô riêng hay không? Nếu có Luật Thủ đô riêng thì nội hàm quy định gồm những vấn đề gì? Cùng với đó, cần nghiên cứu, đánh giá căn cơ việc áp dụng pháp luật giữa Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành như thế nào để bảo đảm hiệu lực thực thi của Luật.

Phát biểu tiếp thu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trân trọng cảm ơn và tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị, trên cơ sở đó sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, vị trí, vai trò, đáp ứng yêu cầu, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với Thủ đô Hà Nội.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và ý kiến góp ý của các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu để hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Bộ Chính trị trong tháng 12/2021 theo kế hoạch.

Tú Linh; Ảnh: Viết Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/sua-doi-luat-thu-do-voi-tam-nhin-bao-quat-tao-dong-luc-phat-trien-manh-me-va-toan-dien-181698.html?