Chứng chỉ nghề nghiệp giáo viên: Có làm khó thầy cô?

16/03/2021 09:34

Kinhte&Xahoi Từ 20/3 tới, giáo viên mầm non, phổ thông công lập sẽ không còn phải lo lắng về việc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Thế nhưng, theo quy định mới, giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, nếu không sẽ không giữ được hạng, thăng hạng, đồng nghĩa không được tăng lương.

Hiện có nhiều ý kiến đề xuất bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, không chỉ với ngành Giáo dục. (Ảnh minh họa)

Do đó, giáo viên nhiều địa phương đã đổ xô đi học chứng chỉ nghề nghiệp trước khi quy định có hiệu lực.

Còn nhiều bất cập?

Theo quy định, để nâng từ hạng III lên hạng II, giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III và hạng II. Như vậy, thầy cô phải mất 2 lần học với số tiền học phí tương đương khoảng 5 triệu đồng. Trong khi đó, nếu thăng hạng, lương cũng chỉ tăng thêm được 30.000 đồng/tháng, không hấp dẫn đối với giáo viên.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là một trong những bất cập của lộ trình trả lương theo vị trí việc làm, bởi cơ quan quản lý đã áp dụng chung công thức cho tất cả ngành nghề.

Không thể bắt một giáo viên công tác 10, 20 năm, chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm tham gia các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chỉ để chuẩn hồ sơ, hợp quy định. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều bất cập. Một số nội dung được thiết kế để bồi dưỡng nhà quản lý chứ không phải dành cho giáo viên. Về học phí đào tạo, giáo viên cũng phải bỏ tiền túi để đi học, trong khi lương của thầy cô không cao. 

Đồng thời, trước không ít ý kiến các nhà giáo khi đạo đức nhà giáo xếp thành ba hạng 1, 2, 3 gây tổn thương với họ, ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, đây không phải là đạo đức xếp thành ba hạng 1, 2, 3 mà là đạo đức nghề nghiệp. Do vậy, cần phân biệt đạo đức nghề nghiệp và đạo đức nhà giáo nói chung được quy định trong luật. 

Đạo đức nghề nghiệp nhấn mạnh đến công bằng, bình đẳng, bác ái, dân chủ, đoàn kết, tôn trọng mọi người (học sinh và đồng nghiệp), không thiên vị, thành kiến và trách nhiệm nghề nghiệp. Đã là giáo viên thì phải làm gương cho học sinh, chẳng hạn như kiên trì, trung thực, tôn trọng, chấp hành các quy định luật pháp, kiên nhẫn, công bằng, trách nhiệm và đoàn kết. Vì thế, không dễ đánh giá, không phải giáo viên hạng 2 gương mẫu hơn giáo viên hạng 3.

Không tạo tâm lý lo lắng cho giáo viên

Bộ GD&ĐT khẳng định, việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, không riêng gì ngành Giáo dục. Do đó, Bộ GD&ĐT cho rằng, muốn bỏ được quy định về chứng chỉ kể trên thì cần phải sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.

Bộ GD&ĐT đã ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Việc ban hành các thông tư nêu trên nhằm triển khai thực hiện Luật Viên chức và cập nhật các yêu cầu mới của Luật Giáo dục 2019, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ.

Theo quy định tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu CDNN giáo viên mầm non hạng II, hạng III, giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng I, hạng II, giáo viên trung học phổ thông hạng I, hạng III quy định tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 được công nhận là tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN hạng tương ứng quy định tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04.

Do đó, trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này, đồng thời cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới.

Bộ GD&ĐT yêu cầu, các sở GD&ĐT báo cáo về Bộ phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn CDNN và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trước ngày 30/6/2021 và kết quả bổ nhiệm hạng CDNN và xếp lương giáo viên trước ngày 31/12/2021.

Bộ GD&ĐT lưu ý, việc bổ nhiệm vào các hạng CDNN giáo viên ở từng cơ sở giáo dục phải đúng người, đúng việc, bảo đảm đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn CDNN ở từng hạng.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm, giáo viên vốn đã nghèo nay phải bỏ ra số tiền 2-3 triệu đồng để đi học một loại chứng chỉ nghề nghiệp mà không giúp nâng cao chuyên môn là điều bất cập. Thực tế, giáo viên muốn đứng lớp phải trải qua 4 năm học đại học.

“Hàng năm họ được tập huấn, bồi dưỡng theo chương trình của Sở, Bộ thì không có lý do gì không đủ điều kiện để đi dạy học? Tại sao lại bắt giáo viên phải đi học loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong khi họ đang là giáo viên? Bỏ 3-4 triệu đồng và học vài ba buổi để lấy chứng chỉ nghề nghiệp liệu có thể cải thiện năng lực giáo viên? Chất lượng hệ thống giáo dục có tăng theo?” - GS Phạm Tất Dong đặt câu hỏi.

 Nguyễn Mỹ - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bắc Giang: Công ty Quyết Tiến có dấu hiệu chuyển nhượng thầu sai luật

Thành lập tháng 5/2017 nhưng Công ty TNHH xây dựng và thương mại Quyết Tiến nổi lên như một “ngôi sao sáng” trong ngành xây dựng tại tỉnh Bắc Giang khi liên tiếp trúng các gói thầu xây dựng có trị giá dưới 50 tỷ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, hầu hết các công trình của Quyết Tiến đều do các nhà thầu phụ thi công 100% khối lượng công trình.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/thoi-luan/chung-chi-nghe-nghiep-giao-vien-co-lam-kho-thay-co-d151000.html