Chuyện lạ ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Trà đá 3.000 đồng/cốc, đất 1.000 đồng/m2

04/05/2019 11:03

Kinhte&Xahoi Với giá bồi thường rẻ mạt chỉ 1.000đ/m2, gia đình bà Kính đã khởi kiện quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Bộ Tài nguyên – Môi trường.

Gia đình bà Kính rất bức xúc sau phán quyết của TAND tỉnh BR-VT.

Đất khai hoang hay thành đất rừng phòng hộ?

Theo đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Kính (87 tuổi, cùng chồng đều có công với cách mạng, ngụ phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT)) cho biết, UBND tỉnh BR-VT đã thu hồi hơn 7,6 ha đất của gia đình bà để thực hiện dự án Khu công nghiệp (KCN) Phú Mỹ I nhưng không được bồi thường thỏa đáng.

Theo bà Kính, phần đất trên tại khu Trảng Cát, thôn Ngọc Hà, TT Phú Mỹ, huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) bị UBND tỉnh BR-VT thu hồi đã được gia đình bà khai hoang từ năm 1971 đến 1974, khi ông Phan Văn Tửu (chồng bà Kính – đã mất). Được biết, ông Tửu từng tham gia hoạt động cách mạng tại khu vực này.

Hồ sơ vụ việc.

Tuy nhiên, do nước mặn không thể canh tác nông nghiệp nên từ năm 1980, gia đình bà Kính đã cải tạo làm ruộng muối và dùng nuôi tôm cá.

Năm 1991, ông Phan Văn Tửu có kê khai, đóng thuế nông nghiệp cho khu đất trên và được cấp sổ kê khai, thu nộp thuế nông nghiệp số 561//TNN ngày 1/12/1991. Từ năm 1998 đến năm 2002, gia đình bà Kính canh tác, sản xuất muối ổn định liên tục và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Ngày 20/10/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 949/QĐ-TTg về việc cho Công ty Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh BR-VT thuê đất để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành.

Tới năm 2002, UBND tỉnh BR-VT đã ra Quyết định số 664/QĐ-UB về việc phê duyệt kinh phí đền bù và các chính sách hỗ trợ khác để giải tỏa thu hồi đất xây dựng KCN Phú Mỹ I. Điều đáng lưu ý, trong quyết định này, UBND tỉnh BR-VT chỉ hỗ trợ cho gia đình bà Kính 1.000đ/m2 đất bị thu hồi.

Quyết định số 664/QĐ-UB của UBND tỉnh BR-VT về việc phê duyệt kinh phí đền bù và các chính sách hỗ trợ cho gia đình bà Kính với giá 1.000đ/m2 đất bị thu hồi.

Theo bà Kính, việc UBND tỉnh BR-VT bồi thường cho gia đình bà chỉ 1.000đ/m2 là quá rẻ mạt, không thỏa đáng với công sức mà gia đình bà đã bỏ công khai hoang canh tác từ năm 1971.

“Việc UBND tỉnh BR-VT bồi thường cho gia đình tôi chỉ 1.000đ/m2 vì cho rằng khu đất mà gia đình canh tác ổn định từ năm 1971 là nằm trong ranh rừng phòng hộ 595.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh BR-VT, ranh rừng phòng hộ này được diễn tả mô phỏng, chuyển tiếp từ lâm trường Châu Thành (thành lập năm 1978). Tuy nhiên, suốt từ năm 1978 đến năm 2012, ranh đất này không được bất cứ cơ quan nào thực hiện việc đo vẽ bản đồ, đo đạc cắm mốc thực địa”, bà Kính cho hay.

Khu đất của gia đình bà Kính khiếu nại.

Bức xúc sau phán quyết của TAND tỉnh BR-VT

Cho rằng việc bồi thường, hỗ trợ không thỏa đáng, gia đình bà Kính đã nhiều lần làm đơn khiếu nại.

Ngày 30/12/2013, UBND tỉnh BR-VT ban hành Quyết định số 3001/QĐ-UB (giải quyết khiếu nại lần đầu), bác yêu cầu bồi thường diện tích hơn 7,6 ha đất của bà Kính vì cho rằng khu đất nằm trong ranh giới rừng phòng hộ.

Không đồng tình với cách giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh BR-VT, gia đình bà Kính đã tiếp tục khiếu nại đến Bộ TN&MT.

Ngày 21/5/2015, trong biên bản làm việc của Đoàn công tác Bộ TN&MT liên quan đến khiếu nại của gia đình bà Kính cho biết kết quả xác minh như sau: Căn cứ vào Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 thì gia đình bà Kính đủ điều kiện được đền bù (bồi thường) về đất.

Do vậy, việc sử dụng đất nông nghiệp (kể cả phần ngoài rừng phòng hộ và phần nằm trong rừng phòng hộ đến năm 2011 mới cắm mốc thực địa dự án rừng phòng hộ ven biển Long Hương – Mỹ Xuân) của gia đình bà Kính đều đủ điều kiện được đền bù khi thu hồi để xây dựng KCN Phú Mỹ I.

Biên bản làm việc của Đoàn công tác Bộ TN&MT.

Cũng tại biên bản này, Thanh tra Bộ đã đề nghị lãnh đạo Bộ TN&MT cùng UBND tỉnh BR-VT thống nhất nội dung giải quyết khiếu nại lần 2 của gia đình bà Kính theo hướng: Điều chỉnh Điều I của các Quyết định số 3001/QĐ-UBND, số 2999/QĐ-UBND (cùng ngày 30/12/2013) và các Quyết định số 29/QĐ-UBND, số 30/QĐ-UBND, số 31/QĐ-UBND (cùng ngày 06/01/2014) của Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT.

Cụ thể như sau: Công nhận nội dung khiếu nại của bà Kính và các con là có cơ sở; bồi thường đất nông nghiệp cho bà Kính và các con với diện tích đất đã thu hồi để xây dựng KCN Phú Mỹ I.

Phiên tòa khiến gia đình bà Kính vô cùng bức xúc.

Đến ngày 8/5/2017, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 1023/QĐ-BTNMT về việc giải quyết khiếu nại của bà Kính. Tuy nhiên, nội dung của Quyết định này lại đi ngược lại với kết quả xác minh tại biên bản làm việc của Đoàn công tác Bộ TN&MT trước đó.

Không đồng tình với các quyết định của tỉnh BR-VT và Bộ TN&MT, bà Kính đã khởi kiện các quyết định trên ra TAND tỉnh BR-VT.

Cụ thể, bà Kính khởi kiện các Quyết định số 626/QĐ-UB ngày 9/01/2002; số 2999/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 và Quyết định số 1024/QĐ-BTNMT ngày 8/5/2017. Đến ngày 5/4/2019, TAND tỉnh BR-VT đã đưa vụ án trên ra xét xử.

Bản án số 13/2019/HC-ST.

Tại bản án số 13/2019/HC-ST ngày 5/4/2019, TAND tỉnh BR-VT đã bác toàn bộ đơn khởi kiện của bà Kính đối với các quyết định của tỉnh BR-VT và Bộ TN&MT về việc đền bù thu hồi đất của gia đình bà Kính để làm KCN Phú Mỹ I.

Trước việc TAND tỉnh BR-VT bác toàn bộ đơn khởi kiện, bà Kính bức xúc cho biết: “Bản án của TAND tỉnh BR-VT là chưa đảm bảo khách quan. Tôi đã làm đơn kháng án gửi TAND Cấp cao tại TP HCM để yêu cầu trả lại sự công bằng cho mình và gia đình.

Hơn hết đó là phần đất do chồng tôi khai phá, các cơ quan chức năng đều thừa nhận rồi sau đó áp đặt là đất rừng phòng hộ. Tôi quyết tâm khiếu kiện đến cùng vì trong đất đó có một phần mồ hôi, nước mắt và cả máu thịt của chồng tôi và cha của các con tôi”.

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Xin đừng gây khó cho doanh nghiệp thương binh

Trong không khí toàn Đảng, toàn dân đang hướng đến kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), tưởng nhớ tới sự hy sinh của các Anh hùng Liệt sĩ, thương bệnh binh đã không tiếc máu xương bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng thì giữa Thủ đô Hà Nội lại có cách hành xử theo kiểu “ngăn sông cấm chợ”, gây khó doanh nghiệp thương binh.