Cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh dịch có thể kéo dài

30/10/2021 07:43

Kinhte&Xahoi Chiều 29/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết, việc thực hiện kế hoạch 2021-2025 nhằm mục tiêu tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế; Từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh.

Cùng với đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; Đẩy mạnh cải cách thể chế; Phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; Thúc đẩy huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội. Hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; Phát triển kinh tế đô thị; Nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành; Nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài một số chỉ tiêu, mục tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch này, Chính phủ đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; Phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

Đặc biệt cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; Nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bao trùm; Tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu.

Rõ hơn các trọng tâm, trọng điểm các ngành, lĩnh vực và vùng, lãnh thổ

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể kéo dài và có những yếu tố bất định để có giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tế hơn để không lỡ nhịp với kinh tế thế giới.

Cơ cấu lại nền kinh tế lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá; Kế hoạch cần rõ nét hơn về các trọng tâm, trọng điểm các ngành, lĩnh vực và vùng, lãnh thổ; Phải gắn với Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, khả năng thích ứng của nền kinh tế.

Thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 đã có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch được hoàn thành. Kết quả thực hiện kế hoạch đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình và cải thiện chất lượng tăng trưởng, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,79% cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015. Hiệu quả sử dụng nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện. Lạm phát được kiểm soát; Tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hàng năm giảm; Nền tảng tài chính quốc gia được củng cố rõ rệt; Hệ số tín nhiệm quốc gia tăng.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số hạn chế: Cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu đề ra thuộc nội dung cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công; Hiệu quả đầu tư công chưa cao; Giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn vướng mắc, nhất là vốn ODA. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm; Hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn hạn chế...

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/co-cau-lai-nen-kinh-te-phai-dat-trong-boi-canh-dich-co-the-keo-dai-181594.html