Cô giáo 9X người Mường lọt tốp 50 giáo viên toàn cầu 2020

19/03/2020 10:27

Kinhte&Xahoi Từ chối vị trí giám đốc đại diện của một công ty dược, Phượng chọn quay về chính nơi mình sinh ra để làm cô giáo với mong muốn “trả món nợ ân tình mà nhà nước và quê hương đã nuôi mình trong suốt quãng thời gian đi học”.

0 giờ rạng sáng ngày 19/3 theo giờ Luân Đôn, các đầu báo lớn về giáo dục của Anh và Mỹ đồng loạt đưa tin về giải thưởng tôn vinh các nhà giáo trên toàn thế giới. Đây được ví như “giải Nobel dành cho giáo dục” của Varkey Foundation.

Tại Việt Nam, cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ đã trở thành đại diện lọt vào tốp 50 giáo viên xuất sắc nhất trên phạm vi toàn cầu.

Cô giáo giúp học sinh “vượt biên không visa

Ngôi trường THPT Hương Cần nơi cô giáo Phượng đang giảng dạy những năm gần đây được coi là “điểm sáng trong phong trào đổi mới sáng tạo dạy và học” của tỉnh Phú Thọ. Dù cho ngôi trường này có tới 85% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhưng nhờ vào công nghệ thông tin và mạng Internet, cô Phượng đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới.

Với mong muốn “đưa những học sinh miền quê trở thành công dân toàn cầu”, cô Phượng đã từng bước chứng minh rằng “giáo dục là không giới hạn”. Không chỉ dạy cho những học trò của mình, cô giáo trẻ còn dành thời gian dạy học miễn phí cho trẻ em tại khu ổ chuột của Ấn Độ, trẻ em ở Nam Phi cho đến các lớp học trực tuyến tại California, Mỹ.

“Bất cứ học sinh nào ở bất kỳ đâu cũng có thể thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất. Đó là lý do mình muốn quay trở lại quê hương của mình”, Phượng bộc bạch.

Từ chối vị trí giám đốc đại diện của một công ty dược, Phượng chọn quay về chính nơi mình sinh ra để làm cô giáo 

Phượng vốn sinh ra từ vùng quê nghèo Yên Lập - một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ. Vì vậy, cô thấu hiểu những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với việc học ngoại ngữ.

“Trước đây mọi thứ chúng mình đều phụ thuộc vào thầy cô và sách giáo khoa. Mình luôn cố gắng tìm kiếm cơ hội để tiếp cận với môi trường tiếng Anh như viết thư tay cho bạn nước ngoài, mua các tờ báo cũ về dịch hay cuối tuần xem bản tin tiếng Anh trên tivi. Cứ thế, mình bắt đầu cảm thấy đam mê với tiếng Anh”.

Nhà ở đối diện trường học, Phượng thích cảm giác được làm cô giáo đứng trên bục giảng. Bố Phượng thấy vậy bèn đi chặt gỗ về ghép thành tấm bảng cho con gái đứng tập làm cô giáo.

Phượng thầm biết ơn bố mẹ mình – những người luôn tạo ra môi trường học tập tích cực cho các con.

“Mình nhớ có những lần hai bố mẹ đèo nhau đi tận 20km chỉ để mua cho mình một cuốn sách tham khảo. Cả bố và mẹ đều luôn coi trọng việc học của hai chị em mình”.

Cấp 2 theo học trường dân tộc nội trú huyện, đến cấp 3 là ngôi trường nội trú tỉnh, những ngôi trường này đã chắp cánh cho ước mơ của Phượng.

“Khi học tới THPT, mình cũng không dễ dàng tiếp cận được với môi trường ngoại ngữ. Vì thế, cuối tuần được nghỉ, mình lại tham gia vào phòng chat trên ứng dụng Yahoo để tìm một vài người bạn nước ngoài giúp nâng cao kỹ năng giao tiếp”.

Năm 2009, Phượng đạt giải Hoa Trạng Nguyên - giải thưởng dành cho thủ khoa tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT phối hợp với Tập đoàn Tân Tạo trao tặng. Dù có cơ hội được đi du học, Phượng vẫn quyết định ở lại nước và theo học tại Trường ĐH Hà Nội.

Dù có cơ hội được đi du học, Phượng vẫn quyết định ở lại nước

Tốt nghiệp cao học với tấm bằng loại ưu, Phượng được một công ty dược của Pakistan mời về làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với một mức lương hấp dẫn. Nhưng cô đã từ chối để tiếp tục đi học thạc sĩ ngành Sư phạm tiếng Anh.

Ngày Phượng quyết định trở về quê hương làm cô giáo trường làng, thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp đều bất ngờ.

Nhưng cô giáo trẻ khi ấy tâm niệm: “Những năm tháng phổ thông mình được đi học nhờ vào sự quan tâm của Nhà nước. Mình muốn trả món nợ ân tình mà Đảng, Nhà nước và quê hương đã nuôi dưỡng trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường”.

Giáo dục không có khoảng cách

Là một giáo viên trẻ có sự năng động và tràn đầy ý tưởng, cô giáo miền núi tích cực tham gia vào các buổi phát triển chuyên môn trên phạm vi toàn cầu. Những diễn đàn kết nối là nơi cô giáo Hà Ánh Phượng tích cực lan tỏa và chia sẻ sáng kiến tới nhiều đồng nghiệp trên khắp mọi miền.

“Có thể điều kiện của nhiều học sinh miền núi không bằng những học sinh vùng xuôi; các em sau giờ học vẫn phải đi làm đồi, làm rừng nhưng hơn hết, các em luôn có ước mơ, năng lực và rất độc lập”.

Điều này có lẽ được minh chứng rõ ràng nhất qua các tiết học của cô Phượng. Những học sinh người Mường trong tiết học đầu tiên tiếp xúc với bạn bè quốc tế còn e dè, lạ lẫm. Nhưng bằng niềm tin của cô giáo trẻ “nếu thầy cô và học trò cùng cố gắng thì mọi điều đều có thể vượt qua”, những tiết học dần trở nên sôi nổi, hào hứng.

Cô giáo 9X người Mường lọt tốp 50 giáo viên toàn cầu 2020

Cô Phượng cùng học sinh nghiên cứu xây dựng dự án “Nói không với ống hút nhựa”

Giờ đây, ngồi trong lớp, học trò của cô Phượng có thể tự tin giới thiệu về những nét văn hoá đặc trưng của người Mường với một thầy giáo Mỹ, nhưng đó không phải là cách giao tiếp truyền thống mà thông qua một buổi học trực tuyến ở hai điểm cầu là Washington và một xã miền núi của Việt Nam.

Học trò của cô cũng không ngần ngại đứng lên thuyết trình trong buổi báo cáo dự án “Nói không với ống hút nhựa”. Đó cũng là một giờ học kết nối hơn 7 quốc gia tới từ 4 châu lục. Trong tiết học này, các em đã mang đến những sản phẩm được làm từ chiếc ống hút tre và giới thiệu quy trình làm ra sản phẩm ấy để lan toả tới các bạn bè quốc tế.

“Học sinh ở Mỹ, học sinh tại Việt Nam và học sinh Ấn Độ,… dù cho các em khác nhau về màu da và khoảng cách địa lý xa xôi, nhưng hàng ngày vẫn có thể trò chuyện với nhau về những câu chuyện văn hóa và cuộc sống thường nhật.

Nhìn những ánh mắt lấp lánh, tự tin khi giao tiếp tiếng Anh của học trò, mình tin rằng các em sẽ trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai”, cô giáo trẻ nói.

Cô giáo Phú Thọ cũng cho rằng, việc đưa giáo dục “xuyên biên giới” giờ đây không còn quá nhiều rào cản. Chỉ với một chiếc laptop được kết nối mạng, giáo viên hoàn toàn có thể đưa học sinh “tới năm châu” mà chi phí không hề tốn kém.

Trong tương lai, cô giáo trẻ mong muốn sẽ phát triển một kênh Youtube chuyên dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh và chia sẻ các hoạt động phát triển chuyên môn, đồng thời tích cực cho ra đời nhiều dự án liên quan đến dạy học vì mục tiêu phát triển bền vững.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đông Anh – Hà Nội: Hai trại nuôi lợn xây dựng trên đất nông nghiệp

Hai trang trại nuôi lơn rộng hàng nghìn mét vuông được xây dựng trên đất nông nghiệp từ cuối năm 2018 tại xứ đồng Bãi bồi ven sông, thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch huyện Đông Anh, Hà Nội. Hậu quả, dẫn tới việc gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Điều đáng nói khu đất này đã được mang ra đấu giá và có người trúng thầu nhưng không hiểu vì sao cơ quan chức năng lại chưa bàn giao mặt bằng cho người trúng thầu, không hề xử lý các sai phạm trên khiến dư luận bất bình.

Theo VietNamNet/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/co-giao-9x-nguoi-muong-lot-top-50-giao-vien-toan-cau-2020-d119695.html