Cơn “sốt” kit test Covid-19 và cuộc chiến không khoan nhượng

04/03/2022 07:08

Kinhte&Xahoi Những ngày vừa qua, số ca F0 đã chạm ngưỡng 100.000 ca/ngày khiến nhiều người dân đổ xô đi mua kit test nhanh và thuốc hỗ trợ Covid-19. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng phục vụ, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch len lỏi vào thị trường, thách thức lực lượng chức năng…

Người dân mua kit test nhanh Covid-19 tại nhà thuốc.

Không khoan nhượng với hàng "ngoài luồng"

Thông tin từ Bộ Y tế, ngày 3/3 nước ta có 118.790 ca mắc mới Covid-19, cao hơn ngày qua 8.500 ca. Riêng tại thủ đô Hà Nội vọt lên hơn 18.600 ca khiến nhiều người dân lo lắng.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và nhu cầu mua kit test, thuốc hỗ trợ điều trị Covid -19 tăng cao đã xuất hiện nhiều mặt hàng trôi nổi trên thị trường. 

Trước tình hình này, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công thương, lực lượng QLTT đã phối hợp cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch.

Theo đó, chiều 28/2, Đội QLTT số 17 cũng phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ 115 Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội do bà Nguyễn Thị Ngân Hà (SN: 1992) làm chủ.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, có 3.030 sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 - theo lời chủ cơ sở.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận, bao bì hàng hóa có ghi chữ nước ngoài, không có nhãn phụ là tiếng Việt Nam. Chủ cơ sở kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên.

Chủ cơ sở này khai nhận với lực lượng chức năng, đã thu mua 3.030 sản phẩm “hỗ trợ điều trị Covid-19” trôi nổi trên mạng, về bán kiếm lời.

Lực lượng chức năng phát hiện thu giữ kit test không rõ nguồn gốc.

Đến tối ngày 1/3, Đội QLTT số 17 - Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp Đội 4, PC05 (Công an TP. Hà Nội) tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29A.071.52 đang dừng đỗ chờ giao hàng trước ngõ 202 Võ Chí Công, Tây Hồ, Hà Nội.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe ô tô có 1.950 que test nhanh kháng nguyên Covid-19, bao bì có chữ nước ngoài. Trị giá lô hàng hóa vi phạm là gần 100 triệu đồng.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định chủ sở hữu lô hàng hóa trên là bà Hà Thu Hường. Bà Hường khai nhận, đã mua trôi nổi số hàng hóa này trên thị trường về bán kiếm lời và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Theo Đội QLTT số 17, lợi dùng tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều đối tượng đã thu mua các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch như kit test nhanh Covid-19, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 trôi nổi, không nguồn gốc về bán kiếm lời.

Thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, thường không có địa điểm kinh doanh cố định. Phương thức giao hàng, nhận hàng ở những nơi khuất dân cư, hoặc gọi giao hàng qua các ứng dụng công nghệ. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình nắm bắt, kiểm soát và phát hiện.

Thời gian tới, Đội QLTT số 17 sẽ tiếp tục nắm bắt địa bàn, bám sát diễn biến dịch bệnh để kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi

Cùng ngày (1/3),  Bộ Y tế đã có văn bản cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Để tránh việc mua, bán thuốc không có nguồn gốc xuất xứ, Sở Y tế cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, đơn vị kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19.

“Các địa phương chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc, phát hiện thuốc không đạt chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo kết quả về Cục Quản lý dược…”

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá và bán thuốc.

“Ngoài ra, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan công an để xử lý theo quy định…”, Bộ Y tế đề nghị.

 “Sốt” kit test Covid-19

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số quầy thuốc trên phố Ngọc Khánh (quận Ba Đình), Giải Phóng (quận Hoàng Mai), Quốc Tử Giám (quận Đống Đa)... có khá đông người tìm đến để mua các sản phẩm hỗ trợ, điều trị Covid-19.

Chia sẻ với phóng viên, chủ một nhà thuốc tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết, những ngày qua số lượng người dân đi mua kit test nhanh tăng cao.

Có ngày đỉnh điểm, cửa nhàng tôi bán cho người dân đến 500 kit test Covid-19. Vì vậy mà, việc khan hàng, cháy hàng là vấn đề mà chúng tôi đang gặp phải. Đây cũng là tình trạng chung của các nhà thuốc trên tại thành phố.

Bên cạnh đó, một số người dân có tâm lý lo sợ không có kit test để dùng nên mua rất nhiều để tích trữ. Còn một số người thì không biết cách sử dụng nên đã làm hỏng nhiều kit test, gây ra sự lãng phí..., chủ một nhà thuốc này chia sẻ thêm.

Một nhà thuốc trên địa bàn phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.

Tại quận Nam Từ Liêm, anh Lê văn T cho biết, gia đình anh có 3 người (2 vợ chồng và 1 con nhỏ), công việc của hai vợ chồng anh thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người. Vì sợ bản thân không may mang dịch về lây nhiễm cho gia đình nên dù đã đeo khẩu trang cả ngày nhưng vì lo lắng, mỗi ngày cả 2 vợ chồng đều tự test Covid -19 cho an tâm.

Mỗi que test nhanh anh T mua có giá từ 70 nghìn - 100 nghìn đồng, 3 ngày trước phải đi 2 nhà thuốc mới mua được vì có nơi báo hết hàng…, anh T chia sẻ thêm.

Cũng theo anh T, việc test nhanh là cần thiết vì Hà Nội đang rất nhiều F0 khi mỗi ngày nghi nhận trên 10 nghìn ca, đặc biệt có nhiều nguồn lây từ cộng đồng.

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 3/3.

 Gia Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngang nhiên xây tường rào bít mặt tiền, cổng nhà hàng xóm?

Bức tường cao 2m, dài 7m chình ình ngay trước mặt tiền ngôi nhà của người dân tại ngách 52/28 Tô Ngọc Vân, P.Quảng An, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội khiến chính quyền địa phương lúng túng trong việc xử lý. Vụ việc kéo dài khiến người dân chật vật đi lại không thể dọn đến nơi ở mới, gây bất bình dư luận.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/con-sot-kit-test-covid-19-va-cuoc-chien-khong-khoan-nhuong-d177516.html