Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19: Tiếp tục đẩy mạnh, vận dụng linh hoạt

19/02/2020 10:54

Kinhte&Xahoi Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) gây ra thông qua nhiều hình thức, qua đó giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô nhận thức đúng về tình hình, tính chất nguy hiểm và tác hại của dịch bệnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, ở một số cơ quan, đơn vị, việc triển khai tuyên truyền vẫn còn yếu, trong khi nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Do vậy, công tác này cần tiếp tục được đẩy mạnh, vận dụng linh hoạt.

Cán bộ phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và phát khẩu trang miễn phí cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Đỗ Hà

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ghi nhận của phóng viên, tại một số quận, huyện, thị xã, đặc biệt là các khu vực công cộng, các khu đô thị đông dân cư… cho thấy, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 được các cơ quan, đơn vị triển khai rộng khắp, đa dạng nhiều hình thức như tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, tổ chức xe tuyên truyền lưu động, phát hơn 2 triệu tờ rơi, lắp đặt nhiều pa nô, áp phích tại những địa điểm công cộng... Qua đó, hầu hết nhân dân đều hiểu về những nguy cơ lây lan của dịch bệnh và biện pháp phòng chống.

Tại huyện Ba Vì công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua Đài Phát thanh huyện, Đài Truyền thanh 31 xã, thị trấn, bà Cấn Thị Minh (xã Khánh Thượng) chia sẻ: “Được tuyên truyền liên tục các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên các thành viên trong gia đình tôi đều tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình”.

Còn tại phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), theo Tổ trưởng Tổ dân phố 14 Nguyễn Thị Minh Đức, 100% số hộ dân, cơ quan, đơn vị, nhà hàng... trên địa bàn phường đã được nhận tờ rơi về phòng, chống dịch bệnh; đồng thời phường còn tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa di động nên ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân được nâng lên rõ rệt. Các hộ gia đình tích cực vệ sinh nhà cửa, nhắc nhở các thành viên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe như đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, rửa tay đúng cách.

Với đặc thù là quận có nhiều trường đại học, cao đẳng và đặc biệt là Bến xe Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm đã chỉ đạo quyết liệt 10 phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, toàn quận đã phát 150.000 tờ rơi, dán hơn 1.000 áp phích tại các điểm công cộng. Anh Bùi Mạnh Thắng, lái xe ôm công nghệ thường xuyên đón khách ở Bến xe Mỹ Đình cho biết, tất cả hành khách và lái xe rất có ý thức phòng, chống dịch, điều dễ nhận thấy là mọi người đều đeo khẩu trang và giảm nói chuyện.

Nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội cũng đã tích cực tuyên truyền, tiến hành phun thuốc khử khuẩn, trang bị dung dịch sát khuẩn ở thang máy... Bà Dương Hoàng Lan, P.2107, chung cư 27 Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) chia sẻ, Ban quản trị tòa nhà đã đưa thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch lên nhóm zalo của cư dân, dán quy định giữ vệ sinh những ngày có dịch, trang bị nước sát khuẩn tại các thang máy... chính vì thế cư dân rất yên tâm, chủ động cùng nhau thực hiện các khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Khắc phục ngay những hạn chế

Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, vẫn còn có nơi chưa triển khai liên tục, chưa có hướng dẫn cụ thể tới từng hộ dân nên ý thức phòng, chống dịch bệnh của một số người dân chưa cao. Như tại chung cư Goldsilk Complex phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), đến nay các hộ dân không được phát tờ rơi tuyên truyền về dịch Covid-19 ngoài một vài chiếc pa nô dán chung ở tầng 1 các tòa nhà. Chị Nguyễn Thị Hoa, tòa nhà T, bức xúc: “Do chung cư chưa có ban quản trị, trong khi công tác tuyên truyền không được phường Vạn Phúc quan tâm dẫn đến ý thức của một số người hạn chế. Vẫn có người vào thang máy không đeo khẩu trang, nói chuyện to”.

Trong khi đó, tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông), nhiều tiểu thương không đeo khẩu trang, găng tay khi bán hàng. Bà Nguyễn Thị Hạnh, bán thịt lợn tại chợ, khi được hỏi cho biết: “Tôi có bị bệnh đâu mà phải đeo khẩu trang”. Tương tự, tại Tổ dân phố Nguyên Xá 2, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), rất nhiều người dân đến nơi công cộng tập trung đông người nhưng không đeo khẩu trang... 

Nhằm khắc phục hạn chế, đồng thời định hướng công tác tuyên truyền, ngày 12-2 vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn số 102-HD/BTGTU về tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp đó, tại cuộc họp chiều 17-2 về phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các địa phương cần vận dụng linh hoạt hình thức tuyên truyền, vận động, không nên "bó cứng" bởi các quy định, hạn chế sử dụng hình thức cưỡng chế, nên sử dụng các thiết chế, hương ước của làng xóm, dòng họ... để vận động người dân tự giác thực hiện việc giám sát. 

Đến thời điểm này, về cơ bản Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, tạo sự đồng thuận, vào cuộc của người dân và cả khách du lịch. Công tác thông tin tình hình dịch trên địa bàn chính xác, kịp thời, tránh hiện tượng nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Những kết quả đạt được cũng như những tồn tại đặt ra trong thời gian qua sẽ là cơ sở quan trọng để Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn, đồng thời góp phần xây dựng nếp sống văn minh, tạo dựng ý thức tự giác của người dân trong vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận Ba Đình (Hà Nội): Nhiều uẩn khúc trong việc cấp sổ đỏ tại số 33, phố Tân Ấp

Đã về hưu, Xí nghiệp bị giải thể nhưng ông Nguyễn Việt Trung lại không bàn giao tài sản cho Công ty CP Vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà, thay vào đó có dấu hiệu không minh bạch trong việc cho thuê nhà, biến tài sản chung thành tài sản riêng. Tài sản được cấp sổ đỏ có nhiều uẩn khúc, khó hiểu.

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/958767/cong-tac-tuyen-truyen-phong-chong-dich-covid-19-tiep-tuc-day-manh-van-dung-linh-hoat