Đã tiêm mũi 1 vaccine Moderna có thể tiêm mũi 2 vaccine khác không?

09/09/2021 07:30

Kinhte&Xahoi Trong tình hình khan hiếm vaccine Moderna để tiêm mũi 2, tối 8/9 Bộ Y tế đã họp hội đồng chuyên môn xem xét có thể tiêm trộn các vaccine Covid-19 khác cho những người đã tiêm mũi 1 Moderna hay không.

Ảnh minh họa. 

Hiện nay trên thế giới nhiều bằng chứng cho thấy mọi người được bảo vệ tốt hơn khi được tiêm chủng vaccine đầy đủ, việc tiêm chủng vaccine là cách an toàn nhất giúp tạo hàng rào bảo vệ trước sự xâm nhập của các biến thể vi-rút gây bệnh Covid-19.

Đến nay, tổng số liều vaccine Covid-19 ở nước ta đã được tiêm là 23.577.917 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 19.809.234 liều, tiêm mũi 2 là 3.768.683 liều. Việt Nam hiện nay đã tiếp nhận hơn 33 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna (trong đó vaccine Moderna là 5 triệu liều do Mỹ tài trợ thông qua cơ chế COVAX số vaccine này về Việt Nam từ tháng 7. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở được phân bổ loại vaccine này chỉ sử dụng một nửa để tiêm mũi 1. Số còn lại cho mũi 2) từ nhiều nguồn khác nhau.

Hiện nay, Việt Nam đang có 5 loại vaccine phòng Covid-19 đang được triển khai tiêm cho người dân, gồm AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna và Sinopharm. Các nhà sản xuất các loại vaccine này đều khuyến cáo tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Một số địa phương như Hà Nội và TP HCM có tình trạng hết vaccine Moderna để tiêm mũi hai cho người dân. Do vậy, một số điểm tại TP HCM đã tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer cho người tiêm Moderna ở mũi đầu do đã đến lịch tiêm mũi 2 nhưng vaccine Moderna không còn.

Báo Lao động đưa tin, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, vaccine Moderna có nồng độ kháng thể rất cao, nên thời gian bảo vệ người đã tiêm mũi 1 tương đối tốt. Nếu đến thời gian tiêm mũi 2 theo như khuyến cáo của nhà sản xuất nhưng chưa có vaccine, người dân vẫn có thể chờ để tiếp tục được tiêm mũi 2 vaccine này.

Trong tình trạng cả thế giới đang thiếu vaccine như hiện nay, việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo về khoảng cách 2 mũi tiêm của nhà sản xuất không thể tránh khỏi và không làm ảnh hưởng đến hiệu lực bảo vệ của mũi 2 vaccine. Tuy nhiên đến nay việc chậm tiêm mũi 2 so với mũi 1 thời gian tối đa vẫn chưa có.

Theo ông Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM thông tin, vaccine này đang hạn chế và khi tiêm vaccine thay thế, ngành y tế sẽ chọn loại vaccine phù hợp nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất cho người dân.

Tại cuộc họp tối 8/9 của Hội đồng tư vấn chuyên môn vể sử dụng vắc xin đã đưa ra khuyến cáo: Trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2 như sau: Nếu tiêm mũi 1 vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; Nếu tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Trước tình trạng thiếu vaccine, một số quốc gia hiện đang thử nghiệm và sử dụng tiêm mũi 2 vaccine khác cho người tiêm mũi 1 vaccine Moderna, chủ yếu là vaccine Pfizer, vì cùng là vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA. Về vấn đề tiêm trộn các loại vaccine Covid-19 khác sau khi tiêm vaccine Moderna, hiện các địa phương đang chờ hướng dẫn mới của Bộ Y tế.

 Các vaccine hiện nay được sản xuất theo các công nghệ khác nhau như công nghệ vector (do Astra Zeneca sản xuất, hoặc Sputnik V), công nghệ mRNA (do Pfizer, Moderna sản xuất), công nghệ bất hoạt (vaccine do Sinopharm sản xuất).

Do khan hiếm vaccine nên nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vaccine cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vaccine sẵn có tại từng thời điểm của các nhà sản xuất khác nhau để kiểm soát sự xâm nhập của các biến thể vi-rút gây bệnh Covid-19.

Xuân Thành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/y-te/da-tiem-mui-1-vaccine-moderna-co-the-tiem-mui-2-vaccine-khac-khong-d165794.html