Đại biểu Quốc hội: Cần thiết phải ban hành Luật Cảnh sát cơ động

22/10/2021 06:49

Kinhte&Xahoi Chiều 21/10, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động và thảo luận tại tổ về nội dung này.

Đề xuất 2 phương án hệ thống tổ chức cảnh sát cơ động

 Trình bày tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định việc ban hành luật thời điểm hiện nay là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; Thống nhất với quy định của các luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình trước Quốc hội

Cảnh sát cơ động là lực lượng có tính chất đặc thù trong Công an Nhân dân, với chức năng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang; Tổ chức theo mô hình đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, được trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đặc chủng, hiện đại; Đối tượng đấu tranh đa dạng, phức tạp, lĩnh vực, địa bàn hoạt động rộng...

"Với tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phức tạp trong tình hình mới đặt ra yêu cầu phải xây dựng các quy định ở tầm luật để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động", Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 31 Điều. Nội dung cơ bản được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 4 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; Kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của Cảnh sát cơ động.

Về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động tại Điều 13 dự thảo luật, Chính phủ xây dựng 2 phương án trình Quốc hội xem xét cho ý kiến. Phương án 1: Chính phủ đề nghị tại dự thảo luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an Nhân dân năm 2018.

Phương án 2: Bổ sung quy định về cơ cấu các lực lượng thuộc Cảnh sát cơ động gồm 6 lực lượng. Trong đó, 4 lực lượng (lực lượng tác chiến đặc biệt, lực lượng đặc nhiệm, lực lượng bảo vệ mục tiêu, lực lượng huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ) được kế thừa quy định tại Điều 8 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013; Bổ sung 2 lực lượng (lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy và lực lượng Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu) hiện nay đã được thành lập theo chủ trương của Bộ Chính trị, các đề án, dự án của Chính phủ và Bộ Công an nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tán thành sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động. Về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động (Điều 3), còn có ý kiến đề nghị quy định bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định tại Điều 3 của Luật Công an Nhân dân và Khoản 1, Điều 26 của Luật Quốc phòng; Đề nghị bổ sung nội dung “đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”...

Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động (Điều 10), một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các trường hợp được “ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái” ở khoản 3; Đồng thời rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn...

Đảm bảo không chồng lấn chức năng, nhiệm vụ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại tổ

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành với việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lực lượng Cảnh sát cơ động thực hiện tốt nhiệm vụ theo yêu cầu thực tiễn đặt ra; Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, do đây là dự luật được nâng lên từ Pháp lệnh nên phải cố gắng khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, hạn chế các quy định theo kiểu “ưu tiên”, chưa rõ nội hàm chính sách; Cần tiếp tục rà soát các điều khoản cụ thể, cố gắng ở mức cao nhất để quy định cụ thể, chi tiết trong dự thảo luật. Về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát cơ động, theo Chủ tịch Quốc hội cũng cần rà soát lại để bảo đảm không chồng lấn với các lực lượng khác.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý nguyên tắc xây dựng luật cần tránh việc luật chuyên ngành quy định về tổ chức bộ máy và sử dụng nguồn lực, ưu đãi thuế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội không khuyến khích việc quy đinh chi tiết về vấn đề này. Nguyên tắc này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi luật sau này vì nếu quy định “cứng” hết trong luật rồi nếu phát sinh vấn đề gì đặc thù sẽ phải sửa luật. Do đó chỉ nên quy định về nguyên tắc còn tổ chức bộ máy cụ thể như thế nào giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đề cập cụ thể đến quy định “cảnh sát cơ động thuộc Công an Nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang Nhân dân nòng cốt chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”, đại biểu Nguyễn Đình Việt (đoàn Cao Bằng) cho rằng, cần làm rõ tính “chuyên trách” của cảnh sát cơ động.

Đại biểu Hoàng Anh Công (đoànThái Nguyên) và một số đại biểu nhận định, quy định của dự thảo Luật đã làm rõ được vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động. Tuy nhiên, cần tiếp tục chỉnh lý về kỹ thuật để phân định rõ hơn vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành; Tiếp tục làm rõ hơn hơn tính đặc thù của Cảnh sát cơ động sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu, mang tính cơ động cao...

Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-thiet-phai-ban-hanh-luat-canh-sat-co-dong-180959.html