Đất Dự án làng nghề Bát Tràng bị "xẻ thịt" làm cửa hàng, nhà xưởng bao giờ mới xử lý dứt điểm?

28/06/2022 11:38

Kinhte&Xahoi Rất nhiều năm qua, kể từ khi UBND huyện Gia Lâm ban hành Kết luận thanh tra, các sai phạm tại Dự án làng nghề Bát Tràng đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Ngày 6/11/2001/UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 105/2001/QĐ-UB về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Làng nghề truyền thống Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 và tỷ lệ 1/500.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, hàng nghìn mét vuông đất cây xanh, đất làm bãi đỗ xe tĩnh thuộc Dự án Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Bát Tràng (Dự án) đã bị biến tướng với hàng loạt vi phạm như xây dựng không phép, sai phép, sử dụng đất sai mục đích, phá vỡ quy hoạch Dự án...

Cụ thể, ngày 21/11/2016, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Kết luận thanh tra (KLTT) số 07/KL-UBND về trách nhiệm của UBND xã Bát Tràng về việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trách nhiệm của hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Bát Tràng trong việc quản lý hoạt động tại Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Bát Tràng nêu rõ: Về đất đai, có 38 ô đất sử dụng sai mục đích như làm xưởng cơ khí, may, sản xuất phân bón, sản xuất đồ nhựa, dịch vụ nhà hàng, 23 ô chưa xây dựng nhà xưởng để đưa đất vào sử dụng, có dấu hiệu chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuê, cho thuê lại trái quy định

Về trật tự xây dựng, có 36 trường hợp xây dựng không phép, sai phép, vi phạm quy chế đấu giá, điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết Cụm sản xuất làng nghề tập trung Bát Tràng, việc Phòng Quản lý đô thị tham mưu cho UBND huyện cấp Giấy phép xây dựng cho Công ty TNHH Giang Long xây nhà xưởng tại ô đất bãi đỗ xe Container, kho tàng, khu nguyên liệu tập trung với chiều cao 3 tầng là không đúng quy định; một số giấy phép xây dựng tại các khu A, B vượt mật độ 1% đến 4%...

Theo ghi nhận của Phóng viên, hiện tại hàng nghìn mét vuông đất cây xanh, đất làm bãi đỗ xe tĩnh thuộc Dự án Cụm sản xuất làng nghề tập trung Bát Tràng tại khu vực ven chân đê Long Biên – Bát Tràng đã bị “xẻ thịt” để xây dựng các công trình nhà xưởng, nhà hàng, của hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề, của hàng dịch vụ ăn uống.

Một số hình ảnh tại Dự án đất cây xanh, đất làm bãi đỗ xe tĩnh thuộc Dự án Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội bị "xẻ thịt" để làm nhà hàng, cửa hàng trưng bày gốm sứ:

Hàng nghìn m2 đất của Dự án ven chân đê Long Biên - Bát Tràng được sử dụng làm các cửa hàng kinh doanh gốm sứ.
 
Các công trình kiên cố được xây dựng trên đất Dự án: Gốm sứ Long Loan; Vân Hoa; Gốm tâm linh Phúc An, Gốm Đạt Lý....
Từ trên đê nhìn xuống là thấy các gian hàng tại khu đất thuộc Dự án này.

Trước những sai phạm trên, các cơ quan chính quyền UBND huyện Gia Lâm và UBND xã Bát Tràng phải xử lý theo quy định của pháp luật bằng các biện pháp yêu cầu tháo dỡ, trả lại nguyên trạng ban đầu hoặc cưỡng chế nếu các hộ kinh doanh không tự thực hiện.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2020, trước tờ trình của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm cùng tờ trình của các phòng Tài nguyên và Môi trường, Kinh tế, Tài chính kế hoạch, Quản lý đô thị về việc phê duyệt phương án khai thác tạm thời khu đất cây xanh, đất tạm giao tại cumg công nghiệp làng nghề Bát Tràng năm 2020, UBND huyện Gia Lâm đã vận dụng các quy định tại: Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017; Tiêu chuẩn quốc gia TCVN9527:2012 về quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng – Tiêu chuẩn Việt Nam; Nghị quyết số 16/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã khiến dư luận cho rằng đây chẳng khác nào việc "hợp thức hóa" cho sai phạm, khiến cho các sai phạm không thể xử lý.

Cụ thể, ngày 15/7/2020, UBND huyện Gia Lâm có văn bản số 1964/UBND-TNMT do ông Ngyễn Ngọc Thuần – Phó Chủ tịch UBND huyện ký, về việc chấp thuận phương án khai thác tạm thời khu đất cây xanh, đất tạm giao tại Cụm khu công nghiệp làng nghề Bát Tràng năm 2020. Văn bản được gửi đến UBND xã Bát Tràng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm.

Theo đó, khu đất có diện tích 6.782m2 UBND huyện Gia Lâm cho phép các tổ chức, cá nhân đang sử dụng được sử dụng mặt bằng, cải tạo, làm công trình tạm trên diện tích đất tạm giao hành lang đê còn lại khoảng 4.753m2 theo mẫu thống nhất chung “kèm theo phương án” với mục đích: Khai thác nguyên vật liệu gốm sứ phục vụ hoạt động quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống Bát Tràng.

Văn bản số 1964/UBND-TNMT do ông Ngyễn Ngọc Thuần – Phó Chủ tịch UBND huyện ký, về việc chấp thuận phương án khai thác tạm thời khu đất cây xanh, đất tạm giao tại Cụm khu công nghiệp làng nghề Bát Tràng.

Văn bản số 1964/UBND-TNMT cũng đặt ra các yêu cầu về thiết kế công trình tạm “có phương án thiết kế kèm theo” Kiến trúc: Khung sắt lợp tôn, 01 mái, biển quảng cáo cao 2.0 mét, đáy dưới cao 4 mét, cửa màu ghi sáng

Kết cấu: Công trình nằm trên đất tạm giao do vậy không xây dựng công trình kiên cố, ưu tiên kết cấu gọn nhẹ, dễ tháo lắp

Khoảng lùi: Phía giáp tường các hộ có khoảng lùi từ vách công trình tạm thời ranh giới thửa đất các tổ chức, cá nhân giao tối thiểu 01 mét đảm bảo các điều kiện về thông gió, an toàn phòng chống cháy nổ.

Phần ranh giới ngăn cách giữa các diện tích đất các tổ chức, cá nhân được giao sử dụng với nhau không xây tường, làm bằng lưới thép.

Thời gian khai thác tạm thời: 01 năm, từ 1/1/2020 đến 31/12/2020 với đơn giá sử dụng mặt bằng theo đơn giá tại Công văn sô 1127/UBND-TNMT ngày 8/5/2020 của UBND huyện Gia Lâm.

Trước những sai phạm cũ đã được nêu, UBND huyện Gia Lâm tiếp tục ban hành Văn bản số 1964/UBND-TNMT để cho các hộ kinh doanh được xây dựng, buôn bán, kinh doanh trên đất Dự án thì chẳng khác nào việc "hợp thức hoá" cho các sai phạm để tồn tại.

Điều đáng nói ở đây là theo Văn bản số 1964/UBND-TNMT của UBND huyện Gia Lâm cho phép các hộ kinh doanh khai thác tạm thời 01 năm (từ 1/1/2020 đến 31/12/2020). Như vậy thời hạn cho thuê chỉ trong vòng 01 năm là hết hạn và các sai phạm phải được xử lý theo quy định, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.

Để có thông tin khách quan, Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Phạm Huy Khôi - Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, ông Khôi cho biết: "Những sai phạm cũ được KLTT của UBND huyện Gia Lâm về cơ bản xã cũng đã chỉ đạo khắc phục, tháo dỡ những vi phạm theo kết luận của huyện. Năm 2019 xã được công nhận là điểm du lịch, huyện căn cứ vào đấy, tạo điều kiện cho xã chỉnh trang lại khu vực hành lang chân đê để phát triển du lịch địa phương. Xã cũng yêu cầu các hộ chỉnh trang lại các gian hàng tạo bộ mặt cho khu du lịch".

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc thời hạn cho thuê đất 01 năm, khi hết 1 năm thì việc thuê đất xử lý thế nào thì ông Khôi cho biết, khi hết hạn 01 năm thì sẽ tự động ra hạn, xã có văn bản báo cáo lên huyện để các hộ kinh doanh tiếp tục sản xuất, kinh doanh. 

Nhưng khi Phóng viên đề nghị ông Khôi cung cấp các biên bản xử lý các vi phạm, tồn tại thời kỳ thực hiện KLTT của UBND huyện Gia Lâm tại Dự án trên và các văn bản gia hạn sử dụng đất với các hộ kinh doanh theo từng năm thì ông Khôi chưa cung cấp được.

Trước sự việc trên, Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Huyện ủy - UBND huyện Gia Lâm cùng các ban ngành vào cuộc kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

 Như Trường - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/dat-du-an-lang-nghe-bat-trang-bi-xe-thit-lam-cua-hang-nha-xuong-bao-gio-moi-xu-ly-dut-diem-d184436.html