Dâu mới và những lo lắng trong Tết đầu tiên về nhà chồng

14/01/2022 10:22

Kinhte&Xahoi Với các nàng dâu mới, Tết đầu tiên tại nhà chồng là dịp để “ghi điểm” trong mắt của bố mẹ, họ hàng. Tuy nhiên, lần đầu tiên đón Tết tại nhà chồng chắc chắn các dâu mới sẽ có nhiều điều bỡ ngỡ...

Những nỗi lo chung

 Theo phong tục tập quán của người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, nàng dâu sau khi cưới thường sống chung với gia đình chồng. Trong xã hội hiện đại, hầu hết người trẻ thành hôn đều ra ở riêng. Vì vậy, cả năm, chỉ có ngày Tết là họ trở về sum vầy bên gia đình nhà chồng.

Một trong những cảm xúc mà bất kỳ nàng dâu mới nào cũng phải trải qua chính là cảm giác lo lắng khi lần đầu tiên đón Tết ở nhà chồng.

"Dâu mới" với nhiều nỗi lo khi đón cái Tết đầu tiên ở nhà chồng (Ảnh minh họa)

Chị Minh Hương (27 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay là tết đầu tiên tôi về nhà chồng, vì thế tôi thấy lo lắng. Nề nếp sinh hoạt gia đình mỗi nhà mỗi khác, bên cạnh đó ở nhà tôi được chiều nên ít phải làm việc. Vì thế, tôi chưa biết phải mua sắm gì và nấu nướng thế nào cho ngày Tết khi cả gia đình nhà chồng đều sum vầy đầy đủ.

Từ một tuần nay, tôi tập nấu nướng những món cỗ Tết nhưng xem ra, nấu ăn thì được mà nấu ngon lại khó. Tôi lo món ăn mình nấu chưa vừa miệng, hay còn nhiều vụng về trong việc nhà cửa...

Không chỉ việc nhà cửa, bếp núc, kinh tế cũng phải dư dả để lì xì các em các cháu trong nhà cũng làm tôi suy nghĩ rất nhiều… Đúng là rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ”.

Chị Thùy Linh (27 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự: “Tôi chỉ mong chồng tôi có thể đồng cảm với những nỗi lo lắng, vất vả của vợ trong cái Tết đầu tiên về quê chồng. Tôi khá căng thằng vì không biết gia phong nề nếp nhà chồng như thế nào, mẹ chồng có khó khăn trong việc mua sắm, sửa soạn nhà cửa không? Mấy ngày nay chồng động viên tôi khá nhiều. Ngoài ra, mẹ tôi cũng nói sẽ gọi điện nhắc nhở những việc cần làm hàng ngày khi tôi về quê chồng đón Tết”.

Những nàng dâu mới hãy tạo tâm lý thoải mái, gẫn gũi với nhà chồng (Ảnh minh họa)

Hãy tạo tâm lý thoải mái

 Mỗi vùng miền, gia đình sẽ có những thói quen khác nhau để đón mừng Tết cổ truyền. Vì thế, nàng dâu mới về ăn Tết nhà chồng lần đầu tiên sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ và phải cố gắng thích nghi với văn hóa, nếp sinh hoạt của nhà chồng.

Bà Nguyễn Thị Hương ( 65 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) đã có 2 con dâu, trong đó một mới về được hơn 1 tháng. Bà chia sẻ: “Là phụ nữ, tôi hiểu cảm giác đón Tết năm đầu tiên mới về nhà chồng sẽ áp lực, lo lắng như thế nào. Vì thế, tôi cố gắng tạo những cảm giác an toàn và thoải mái nhất để các con dâu của mình thấy không cô đơn, lạc lõng trong chính căn nhà của mình.

Tôi chỉ mong các con có ý thức trong việc cùng bố mẹ lo lắng, quán xuyến chuyện gia đình. Có thể không cần biết nấu cả mâm cỗ nhưng vẫn nên xuống bếp phụ giúp anh chị, mẹ chồng và chịu khó học hỏi. Vợ chồng ôn hòa, cố gắng bảo ban, chăm sóc và quán xuyên việc nhà cửa là tôi cũng mừng rồi. Năm đầu có thể còn nhiều bỡ ngỡ, lo lắng chưa quen nhưng dần dần sẽ đâu vào đấy”.

Nàng dâu mới nên khiêm tốn, cầu thị, quan sát cách nấu nướng của nhà chồng và học hỏi những điều mình chưa biết (Ảnh minh họa)

Cô Nguyễn Thị Âu, giáo viên đã về hưu ở quận Long Biên, Hà Nội, cũng đưa ra lời khuyên: “Là dâu mới chưa biết gì nhiều về nhà chồng nhưng hãy thể hiện mình là người ham học hỏi thay vì"bảo gì làm đó". Ngược lại, dù chúng ta có là một "tay cừ khôi" trong việc nấu nướng thì cũng nên khiêm tốn, cầu thị, quan sát cách nấu nướng của nhà chồng và học hỏi những điều mình chưa biết”.

Là dâu mới chắc chắn sẽ có nhiều điều bỡ ngỡ, cảm thấy xa lạ, thậm chí tủi thân khi ăn Tết ở nơi chưa có nhiều quen thuộc. Tuy nhiên, đó chỉ là khoảng thời gian đầu, những nàng dâu mới không nên quá lo lắng quá; Hãy cố gắng tạo cho mình một tâm lý thoải mái nhất, yêu quý, gần gũi gia đình chồng. Chỉ cần chân thành, mọi người sẽ cảm nhận được. Điều đó sẽ giúp tình cảm giữa các thành viên trong gia đình hòa thuận, khăng khít hơn.

 Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dau-moi-va-nhung-lo-lang-trong-tet-dau-tien-ve-nha-chong-187915.html