"Đi trước, mở đường" trong chuyển đổi số ngành Tuyên giáo

27/07/2022 19:55

Kinhte&Xahoi Chiều 27/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Tọa đàm chuyển đổi số trong hệ thống tuyên giáo Thủ đô. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự và phát biểu chỉ đạo.

Chủ trì Tọa đàm có các đồng chí: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đinh Thị Lan Duyên…

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Việc khó nhưng không thể chậm trễ

 Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đinh Thị Lan Duyên nhấn mạnh: Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện nay, là xu thế tất yếu nhằm thay đổi nhận thức, hành động của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Trong đó, chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo là công việc khó, chưa có nhiều mô hình để nghiên cứu, học tập nhưng không thể chậm trễ. Trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ, năng lực thiết bị, xác định các mục tiêu hệ sinh thái số ngành tuyên giáo cần hướng đến, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chủ động xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số với các mục tiêu và giải pháp cụ thể.

Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nhân rộng mô hình áp dụng vào các nhiệm vụ công tác tuyên giáo, góp phần tiêu chuẩn hoá, quy trình hoá nghiệp vụ, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, cán bộ, công chức, nhân viên Ban Tuyên giáo Thành ủy tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tham mưu, phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực công tác tuyên giáo nhằm tăng cường chỉ đạo, định hướng tuyên truyền toàn diện các mặt đời sống chính trị, xã hội, tình hình Thủ đô, trong nước và quốc tế.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đinh Thị Lan Duyên phát biểu đề dẫn Tọa đàm

“Tại Tọa đàm hôm nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy mong muốn được lắng nghe các ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận sôi nổi, đưa ra những kinh nghiệm, sáng kiến hay để từ đó có giải pháp thực hiện hiệu quả, đưa nội dung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trở thành việc làm thường xuyên, phương tiện hữu hiệu phục vụ công tác chuyên môn của hệ thống tuyên giáo Thủ đô”- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nêu và đề nghị các đại biểu tập trung vào 3 nội dung.

Đó là: Vai trò, tính cấp thiết của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác ham mưu, phục vụ hệ thống tuyên giáo Thủ đô từ thành phố tới cơ sở. Cách làm hay, đổi mới trong việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan, đơn vị.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới tham luận tại Tọa đàm

Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hiện chuyển đổi số. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị, nghị quyết các cấp, đặc biệt trong giai đoạn huyện đang phấn đấu trở thành quận văn minh, hiện đại của Thủ đô, huyện Đông Anh đã sớm đầu tư lắp đặt đường truyền trực tuyến của Huyện ủy tới 24 xã, thị trấn; Chủ động sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục truyền thống lịch sử, số hóa sách lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn và các ngành; Chủ động ứng dụng công nghệ số trong định hướng, nắm bắt dư luận xã hội...

Đoàn Thanh niên thành phố đã tập trung phát huy tối đa hiệu quả mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế nhiều bộ nhận diện ấn phẩm đặc sắc, ngắn gọn, súc tích để đăng tải lên các mạng xã hội nhằm truyền tải những thông tin cơ bản, cốt lõi xoay quanh Nghị quyết XVII Đảng bộ TP và Nghị quyết XIII của Đảng. Trong suốt 2 năm dịch bệnh COVID-19, Thành đoàn Hà Nội đã thay đổi phương thức, hình thức tổ chức các hội nghị, cuộc thi trực tuyến. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận, định hướng trong đoàn viên, thanh niên...

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng tham luận tại Tọa đàm

Đại diện các đơn vị cũng bày tỏ sự ủng hộ quan điểm đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai nhiệm vụ công tác tuyên giáo tại cơ sở và đề xuất các giải pháp như: Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng và triển khai đồng bộ hệ thống thông tin tuyên giáo Thủ đô trên nền tảng số; Số hóa tài liệu lưu trữ, dữ liệu lịch sử của Đảng bộ thành phố và các quận huyện để phục vụ công tác nghiên cứu, tra cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương…

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh thông tin với mạng xã hội, việc chuyển đổi số trong báo chí truyền thông là hết sức cần thiết. Trong đó, việc số hóa dữ liệu và quy trình là một điều kiện cần cho chuyển đổi số báo chí truyền thông thành công.Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong báo chí đòi hỏi bản thân các nhà báo phải thay đổi tư duy, cách thức tác nghiệp. Cùng với đó, cần có hạ tầng số, nền tảng số, phát triển dữ liệu, an toàn thông tin…

Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động tuyên giáo

 Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong hoan nghênh việc Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chủ trì tổ chức tọa đàm, qua đó cho thấy việc chuyển đổi số trong đời sống kinh tế - xã hội nói chung và hệ thống tuyên giáo Thủ đô nói riêng có ý nghĩa quan trọng.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm

Để chuyển đổi số trong hệ thống tuyên giáo Thủ đô thành công, theo Phó Bí thư Thành ủy, việc trước tiên cần làm là thay đổi nhận thức của những người trực tiếp làm công tác này và phải bắt đầu từ những sản phẩm chuyển đổi số cụ thể theo thực tế tại các địa phương.

“Đối với chuyển đổi số trong hệ thống tuyên giáo Thủ đô, chúng ta cần chỉ ra thực trạng việc chuyển đổi số hiện nay ra sao, những công việc cụ thể cần làm là gì, lộ trình ưu tiên như thế nào... Trong đó, cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động của hệ thống tuyên giáo từ Trung ương đến cơ sở”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Nêu thực trạng việc chuyển đổi số cũng như ứng dụng chuyển đổi số trong các đơn vị trên địa bàn thành phố còn chưa được như mong muốn, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ gắn với chuyển đổi số, kinh tế số. Trong đó, cần tận dụng triệt để hiệu quả của hệ thống mạng xã hội, sự phối hợp giữa các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố trong tuyên truyền các chủ trương của thành phố đến với người dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính trong vấn đề chuyển đổi số; Đặc biệt ngành Tuyên giáo Thủ đô cần đi đầu trong công các này, đặc biệt là trong các thăm dò, điều tra xã hội học...

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai phát biểu kết thúc Tọa đàm

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết, sau hơn 3 tiếng diễn ra tọa đàm đã hoàn thành tốt nội dung, yêu cầu đề ra. Đó là giải đáp được 3 câu hỏi liên quan đến chuyển đổi số, cụ thể: Tuyên giáo Thủ đô đang ở đâu trong quá trình chuyển đổi số? Chúng ta mong muốn chuyển đổi số như thế nào? Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là gì?

Đồng chí Bùi Huyền Mai khẳng định, những nội dung được trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm là bước đầu để mỗi cán bộ tuyên giáo của Thủ đô có hiểu biết đúng về chuyển đổi số, từ đó thay đổi nhận thức và hành động.

Trên cơ sở các ý kiến tại tọa đàm, đồng chí Bùi Huyền Mai cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Thành ủy, sự hỗ trợ và đồng hành của các cơ quan đơn vị trong thời gian tới đối với quá trình chuyển đổi số của hệ thống Tuyên giáo Thủ đô để xứng đáng với vai trò là “người đi trước mở đường”. 

 Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/di-truoc-mo-duong-trong-chuyen-doi-so-nganh-tuyen-giao-202045.html