Dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đã hạ nhiệt và được kiểm soát

30/03/2022 16:36

Kinhte&Xahoi Ngày 30-3, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban với phòng y tế, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã về công tác y tế trong quý I-2022 và nhiệm vụ quý II-2022.

Hà Nội đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.

Trong quý I-2022, trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, các đơn vị trong toàn ngành Y tế Thủ đô và các quận, huyện, thị xã phải tập trung mọi nguồn lực, huy động số lượng lớn sinh viên của các trường y, cán bộ y tế bộ, ngành, trung ương trên địa bàn, y tế tư nhân cùng tham gia chống dịch. Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã cũng đã đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.

Đến nay, kết quả tiêm cho người trên 18 tuổi: Mũi 1 đạt 99,9%; mũi 2 đạt 99,9%; mũi bổ sung đạt 99,98% và mũi nhắc lại đạt 84,6%. Tiêm cho người trên 50 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 99,8%; mũi 2 đạt 99,4%; số lượng mũi nhắc lại đã tiêm là gần 1,2 triệu  mũi. Tiêm cho trẻ 12-17 tuổi mũi 1 đạt 99,9%; mũi 2 đạt hơn 99%. 

Nhờ đó, hiện nay, dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu hạ nhiệt và được kiểm soát. Nếu như đầu tháng 3-2022, số ca mắc Covid-19 gia tăng mạnh, thậm chí có ngày ghi nhận số mắc kỷ lục (hơn 32.600 ca trong ngày 8-3) thì nay đã hạ nhiệt còn khoảng 9.000 ca/ngày. Cùng với đó, người bệnh được sử dụng thuốc kháng vi rút sớm, giảm tỷ lệ nhập viện và giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19.

Phát biểu tại buổi giao ban, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của phòng y tế, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng và các hoạt động chuyên môn y tế nói chung, từ đó góp phần thực hiện tốt hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. 

Cũng theo ông Trần Văn Chung, trong quý II-2022, thành phố tiếp tục tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện tiêm mũi vắc xin nhắc lại đối với những trường hợp đã tiêm mũi 2 và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi khi Bộ Y tế phân bổ vắc xin.

Trong công tác chăm sóc người nhiễm Covid-19, ông Trần Văn Chung đặc biệt lưu ý đến việc quản lý người bệnh Covid-19 tại nhà kịp thời, không để xảy ra tình trạng người bệnh được tiếp cận nhân viên y tế muộn, không được chỉ định, hướng dẫn sử dụng thuốc.

Bên cạnh đó, các đơn vị được giao nhiệm vụ thường xuyên theo dõi trên hệ thống phần mềm quản lý F0 phát hiện sớm các ca chuyển nặng để chuyển viện kịp thời. Cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện giám sát chặt một số dịch bệnh như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng… 

“Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; đồng thời phối hợp với ngành Giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Đồng thời tuyên truyền cho người dân cần chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh theo quy định...”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.

 Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

 Xuân Lộc - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

Nguồn: Hà Nội mớihttp://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1028214/dich-covid-19-tren-dia-ban-ha-noi-da-ha-nhiet-va-duoc-kiem-soat