Dịch tả lợn châu phi lan rộng: Huy động công an, quân đội chống dịch

14/05/2019 15:53

Kinhte&Xahoi Dịch tả lợn châu Phi (ASF) gần như “phá vỡ” hệ thống phòng, chống dịch ở Việt Nam với tốc độ lây lan rất nhanh, với 29 tỉnh thành “dính” dịch và hơn 1,22 triệu con lợn bị tiêu hủy. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu xử lý nghiêm những địa phương lơ là, đối phó, để lây lan phức tạp; đề nghị công an, quân đội vào cuộc, xây dựng cơ chế hỗ trợ mua thịt lợn sạch cấp đông.

Lợn chết nổi trên kênh khu vực xã Hoàng An, huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang. Ảnh: B. Phương

Đề nghị Bộ Công an  điều tra

Ngày 13/5, tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp phòng, chống ASF, trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết thời gian qua, nhiều địa phương còn lơ là, xem nhẹ, chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về phòng chống dịch bệnh ASF khiến dịch bệnh lây lan.

“Các địa phương phát hiện lợn bị bệnh không kịp thời, khi phát hiện thì chậm công bố với suy nghĩ là chờ dịch vãn đi để tiêu thụ, nhưng ngờ đâu đó lại là nguồn lây lan”- ông Tiến nói.Theo ông, tại Nam Định, công tác tiêu hủy không kịp thời, để lợn chết bốc mùi trong chuồng. Tại khu vực cầu phao sông Hóa và cầu phao dân sinh - cầu ông Khởi (khu vực Thái Bình và Hải Phòng) lực lượng chức năng phải thu gom, tiêu hủy gần 400 xác lợn.

Một số địa phương như Hà Nam, Nam Định, dù các văn bản hướng dẫn nói là không điều trị lợn bị bệnh ASF, nhưng người chăn nuôi vẫn tự điều trị. Có nơi, thú y xã hướng dẫn điều trị lợn bệnh tốn cả chục triệu đồng, kết quả lợn vẫn chết và lây lan dịch bệnh. Có tình trạng người dân bán chạy lợn, vứt lợn chết ra bừa bãi ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng…

“Vừa rồi, tôi đi kiểm tra ở Bắc Giang khu vực ở huyện Hiệp Hòa và huyện Phú Bình (Thái Nguyên) vẫn có hàng chục con thả trôi trên sông đã bốc mùi hôi thối…Không hẳn không chỉ có lợn chết ở Hiệp Hòa mà cả bên Phú Bình trôi lại”- ông Tiến nói.

Sau đợt kiểm tra trên, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đề nghị thực hiện hiện ngay chỉ đạo của Thủ tướng “chống dịch như chống giặc”. 

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới sẽ đề nghị xử lý một số vụ việc làm gương và làm quyết liệt. Ông Tiến nói: “Sắp tới, sẽ có thêm công an, quân đội tham gia tiêu hủy lợn để đảm báo tính kịp thời ở các ổ dịch, hạn chế lây lan. Bộ Công an sẽ điều tra, xử lý một số vụ làm gương, răn đe”.

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay bệnh ASF đã xảy ra gần ở 2.300 xã, tại 204 huyện của 29 tỉnh thành, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là trên 1,22 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn cả nước). Địa phương bị tiêu hủy lớn nhất là Thái Bình trên 300 nghìn con, Hải Dương gần 190 nghìn con; các tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên xấp xỉ 125 nghìn con...

Dịch “đâm thủng” ngân sách, “cầu cứu” T.Ư

Là địa phương xuất hiện sớm và thiệt hại nặng nề nhất do bệnh ASF, ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND Thái Bình lo lắng, trong số 286 xã phường, thị trấn, dịch ASF đã “phủ” gần hết. Số lợn tiêu hủy toàn tỉnh đã hơn 300 nghìn con, chiếm khoảng 36% trong tổng đàn khoảng 970.000 con.

Tuy nhiên, điều khiến Thái Bình “đau đầu” nhất là kinh phí hỗ trợ tiêu hủy. Bởi theo ông Xuyên, toàn tỉnh dự kiến hỗ trợ 470 tỷ đồng tiền tiêu hủy lợn, trong khi ngân sách dự phòng toàn tỉnh chỉ hơn 100 tỷ đồng.

“Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi, nhưng chưa cấp ngay được…Tiền ngân sách hiện chủ yếu hỗ trợ mua vôi, hóa chất, công tác dập dịch”- ông Xuyên nói.  Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình, trước đây tỉnh hỗ trợ 38.000 đồng/kg với lợn tiêu hủy, sau đó áp theo nghị quyết của Chính phủ, hỗ trợ 80% theo giá thị trường. Thời kỳ đầu khi có dịch, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh tới 45.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 35.000-38.000 đồng/kg. Hiện cứ 5 ngày, tỉnh sẽ công bố giá thị trường một lần và áp mức hỗ trợ 80%.

“Chúng tôi đang xem xét vấn đề này, bởi nếu hỗ trợ cao hơn giá thị trường thì các hộ chăn nuôi sẽ bỏ bẵng dịch để hưởng hỗ trợ. Nếu không cẩn thận sẽ rơi vào cảnh “cháy nhà hai hồi”- ông Xuyên nói.

Thái Bình hiện có 70 nghìn hộ và khoảng 600 trang trại, mật độ chăn nuôi dày đặc. Theo ông Xuyên, tỉnh chưa bao giờ phải đề nghị Trung ương hỗ trợ chuyên gia, kỹ thuật, nguồn lực…để hỗ trợ dù dịch bệnh xuất hiện nhiều trên lúa, chăn nuôi, nhưng lần này gần như “ngoài sức” của tỉnh.

“Tối thiểu tỉnh cũng cần trên 400 tỷ đồng nữa để phục vụ cho phòng chống dịch. Thái Bình đang được hỗ trợ 70% ngân sách từ T.Ư”- ông Xuyên nói.

Trong khi đó, tại “vựa” lợn lớn nhất cả nước là Đồng Nai (tổng đàn 2,5 triệu con), đến nay, dịch đã xuất hiện ở 3 huyện (Trảng Bom, Nhơn Trạch và Vĩnh Cửu) với gần 900 con bị tiêu hủy.Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ, tính theo con, từ mức 300.000 đồng/con đến 4,5 triệu đồng/con, vì nếu phải cân từng con lợn thì sẽ rất khó khăn trong công tác tiêu huỷ.

Đây là địa bàn nguồn lợn vận chuyển Bắc-Nam đi qua, Đồng Nai cũng đã lập 24 chốt kiểm dịch để kiểm soát toàn bộ lượng heo qua lại... Ông Chánh lo lắng về nguy cơ lây lan dịch bệnh và về một “kịch bản xấu”, địa phương có thể thiệt hại 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân tiêu hủy lợn.“Chúng tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp chia sẻ với tỉnh, nếu không thì tỉnh cũng khó xoay xở. Bởi nếu có dịch, mỗi trang trại lớn cần hỗ trợ tới 60-70 tỷ đồng, thì rất khó cho tỉnh, trong khi Đồng Nai tỉnh phải tự cân đối ngân sách”- ông Chánh nói.

 Theo Tiền Phong


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM