“Đìu hiu” ngành vận tải vì dịch Covid-19

20/02/2020 16:51

Kinhte&Xahoi Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều ngành nghề dịch vụ, trong đó có dịch vụ vận tải khách đang phải đối mặt với tình trạng vắng vẻ, đìu hiu khi lượng khách có nhiều dấu hiệu sụt giảm. Tuy nhiên, không vì vậy mà các đơn vị trong ngành giao thông vận tải lơi lỏng công tác phòng, chống dịch bệnh.

Dịch vụ vận tải vắng khách

Dịch viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra đang lan rộng khiến người dân hạn chế đến nơi công cộng, giảm tụ tập, chi tiêu bên ngoài, khiến dịch vụ vận tải lao đao vì vắng khách. Ghi nhận cho thấy, lượng khách tại các bến xe khách lớn của Hà Nội như: Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình… những ngày gần đây có xu hướng sụt giảm.

Phát khẩu trang miễn phí nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và để người dân tham gia giao thông an toàn hơn

Theo tính toán, lượng hành khách tại các bến chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ các năm trước đây. Đáng chú ý, theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, từ ngày 25/1 đến nay đơn vị đã phải dừng 91 đoàn tàu chạy tuyến Hà Nội – Lào Cai trong đó có 75 đoàn tàu khách.

Mới đây, do lượng khách sụt giảm, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã phải bãi bỏ đôi tàu SP1/2 chạy hàng ngày giữa Hà Nội - Lào Cai, chỉ duy trì 1 đôi tàu khách trên tuyến. Chính sách đổi, trả vé cũng được nới lỏng nhằm thu hút khách đi tàu tuyến này. Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cũng thực hiện giảm giá vé tàu tuyến Hà Nội - Vinh và ngược lại.

Cụ thể, giảm đến 20% giá vé đối với hành khách mua vé đi tàu NA1/2 trong giai đoạn đến ngày 10/3. Hiện nay, giá vé ngồi điều hòa đi Hà Nội - Vinh và ngược lại chỉ 164.000 đồng/vé và giá vé giường nằm điều hòa từ 204.000 đồng/vé. Nhằm hỗ trợ các đơn vị thuê nguyên toa xe tuyến Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - Vinh vì vắng khách, Công ty cũng chấp thuận các đơn vị này được mua vé theo số lượng khách thực tế, không phải mua vé nguyên toa như trước.

Cảnh ế ẩm giữa đại dịch virus Covid-19 không chỉ ở các bến xe lớn và các đơn vị vận tải đường sắt. Tại hệ thống vận tải công cộng Thủ đô, dù chưa có thống kê chính thức song quan sát thực tế tại các tuyến buýt có thể dễ dàng nhận thấy lượng khách không cao. Cụ thể, khảo sát vào các khung giờ từ 9 - 12h và 16 -19h, tại trạm xe buýt nhanh BRT ở bến Yên Nghĩa chỉ lác đác vài hành khách xuất hiện tại khu vực nhà chờ.

Tại một trạm BRT khác ở Ba La cũng trong tình trạng "ế" khách. Nhiều tài xế cho biết, sở dĩ có tình trạng trên là bởi ngoài ảnh hưởng nguy cơ lây lan Covid-19, có thể do học sinh, sinh viên đang được nghỉ học để phòng dịch nên đây cũng là những nguyên nhân làm xe vắng khách. Ngoài ra, cũng không loại trừ một bộ phận người dân mang tâm lý lo ngại, sợ lây nhiễm dịch bệnh nên hạn chế di chuyển, sử dụng phương tiện công cộng.

Chủ động phòng, chống dịch

Lượng khách chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh nên có xu hướng sụt giảm song không vì thế mà công tác phòng chống dịch Covid – 19 lơi lỏng. Theo ghi nhận, tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn Hà Nội về cơ bản đều đã chủ động trong việc phòng tránh dịch bệnh cho nhân viên và các hành khách đi trên xe. Cụ thể, với các đơn vị quản lý bến xe, điểm trung chuyển hành khách, nhà chờ xe buýt… ngoài thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt khuẩn công tác tuyên truyền đến các nhà xe, lái, phụ xe, nhân viên phục vụ và hành khách về công tác phòng chống dịch bệnh cũng được đẩy mạnh.

Các đơn vị vận tải thường xuyên duy trì phương tiện vận tải sạch sẽ. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về vận chuyển hành khách, không nhận chở hàng cấm, hàng dễ cháy nổ, động vật sống… Tại khu vực như bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên... nhiều hãng taxi nối đuôi nhau ra vào đón trả khách. Để phòng dịch bệnh, ngay bản thân các tài xế cũng có ý thức tự bảo vệ mình và hành khách bằng cách đeo khẩu trang khi làm việc.

Với vận tải đường sắt, để đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên và hành khách đi tàu, ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Nội, cho biết, hiện nay Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Nội quản lý 11 ga trên địa bàn Thành phố, trong đó có ga Hà Nội. Nhằm chủ động các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch rất cụ thể. Chẳng hạn, đơn vị đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo về phòng chống dịch, tổ chức họp và phân công công việc cho từng thành viên; đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, máy móc, vật tư hóa chất, bảo hộ, khẩu trang y tế đáp ứng công tác phòng chống dịch; bố trí khu vực cách ly theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, 100% các ga duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường vào chiều thứ sáu hàng tuần, tổ chức phun hóa chất khử khuẩn tại tất cả các nhà ga. Tăng cường công tác tuyên truyền qua tờ rơi, poster, phát thanh qua hệ thống loa tự động tại các nhà ga… về các biện pháp phòng chống dịch bệnh và poster được dán tại tất cả các khu vực của nhà ga, tại nơi tiếp đón, cửa ra vào, trên các toa tàu, khu vực tập trung đông người. Các nhà vệ sinh trong các phòng đợi tàu, khu vực đón tiếp có trang bị dung dịch sát khuẩn tay nhanh để hành khách và các cán bộ nhân viên sử dụng. Ngoài ra, còn phối hợp, huy động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp để mua khẩu trang phát cho các hành khách và người dân.

Quanh các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh, ông Ngô Minh Hoàn - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội, cho biết, hiện Công đoàn ngành đã chủ động triển khai đến các Công đoàn cơ sở trực thuộc tham gia với cấp ủy, chính quyền chuyên môn đồng cấp các giải pháp phòng chống dịch như: Tuyên truyền vận động công nhân viên chức lao động tự phòng chống dịch; vận động đoàn viên, công nhân viên chức lao động thực hiện tốt việc phòng dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế, đảm bảo vệ sinh cá nhân.

“Xác định công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, Ban thường vụ công đoàn ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Công đoàn khẩn trương quyết liệt thực hiện các biện pháp chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, đảm bảo sự ổn định phát triển các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Các biện pháp phòng chống dịch đã được các công đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức hiệu quả. Chúng tôi đẩy mạnh kết hợp giữa phương pháp tuyên tuyền truyền thống với việc tuyên tuyền thông qua các Trang thông tin điện tử, mạng xã hội, Facebook…” – ông Hoàn chia sẻ.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội ban hành Văn bản số 658/SGTVT-QLVT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Văn bản do Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Hà ký, nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị có liên quan thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch và hướng dẫn phòng chống dịch bệnh từ Bộ Y tế để đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch bệnh. Với các đơn vị quản lý bến xe, điểm trung chuyển hành khách, nhà chờ xe buýt…ngoài thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt khuẩn thì cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các nhà xe, lái, phụ xe, nhân viên phục vụ và hành khách về công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, với các đơn vị vận tải cần thường xuyên duy trì phương tiện vận tải sạch sẽ. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về vận chuyển hành khách, không nhận chở hàng cấm, hàng dễ cháy nổ, động vật sống...


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận Ba Đình (Hà Nội): Nhiều uẩn khúc trong việc cấp sổ đỏ tại số 33, phố Tân Ấp

Đã về hưu, Xí nghiệp bị giải thể nhưng ông Nguyễn Việt Trung lại không bàn giao tài sản cho Công ty CP Vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà, thay vào đó có dấu hiệu không minh bạch trong việc cho thuê nhà, biến tài sản chung thành tài sản riêng. Tài sản được cấp sổ đỏ có nhiều uẩn khúc, khó hiểu.

Link bài gốc http://laodongthudo.vn/diu-hiu-nganh-van-tai-vi-dich-covid-19-103618.html