Đìu hiu thị trường bánh trung thu mùa Covid-19

15/09/2021 09:53

Kinhte&Xahoi Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bánh Trung thu truyền thống năm nay không còn được sôi động như mọi năm. Thay vào đó, trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, bánh Trung thu đang được rao bán khá rầm rộ.

Còn vài ngày nữa là đến Tết Trung thu, tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên thị trường truyền thống vắng bóng những quầy bán bánh lưu động, không còn không khí sôi động như những năm trước.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị kinh doanh cũng cho biết, thị trường bánh Trung thu năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là bài toán thị trường và dự báo sức mua đều phải có sự tính toán thận trọng.

Theo anh Hoàng Bá Tùng (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), gia đình đã nhiều năm tham gia thị trường bánh Trung thu với đa dạng sản phẩm bánh gia truyền. Nếu như hằng năm hoạt động sản xuất kinh doanh được chuẩn bị trước khoảng 2 tháng, thì năm nay chờ đến tháng cận Tết Trung thu anh mới bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu song song với thực hiện quảng bá, tiếp thị sản phẩm và nhận đơn hàng.

Anh Tùng phân tích thêm, nếu chuẩn bị nguyên liệu đầu vào trước mà người tiêu dùng không mặn mà với bánh Trung thu thì đơn vị sản xuất khó thanh lý hết hàng hóa. Hơn nữa, diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, chi phí đầu vào từ nguồn cung nguyên liệu... cho đến chi phí vận chuyển, nhân công... đều biến động khó lường nên đơn vị sản xuất kinh doanh phải dự phòng rủi ro trong mùa bánh Trung thu 2021 hơn những năm trước đây.

 
 

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng đó, các công ty sản xuất bánh kẹo truyền thống lâu năm quen thuộc với người tiêu dùng như Kinh Đô, Hải Hà, Hữu Nghị, Thu Hương… năm nay cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua các trang mua sắm trực tuyến như: Tiki, Shopee, Lazada, Sendo… với đa dạng chủng loại, giá cả. Trên các sàn thương mại điện tử, bánh Trung thu hầu hết đều được quảng cáo giảm giá từ 10 - 50%. Ngoài bánh Trung thu của các hãng trên, còn có các thương hiệu bánh trung thu truyền thống lâu đời của Hà Nội.

Trái ngược với mọi năm, năm nay, các mặt hàng liên quan đến Tết Trung thu, đặc biệt là bánh Trung thu không còn được trưng bày trên đường phố. Những người làm bánh handmade cũng đang chật vật "nuôi nghề" trong điều kiện giãn cách xã hội. Chị Phạm Phương Thu (một người làm bánh handmade tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết đã quyết định chỉ làm bánh để biếu người thân và phục vụ nhu cầu của gia đình. "Giá nguyên vật liệu, thậm chí dụng cụ làm bánh đều tăng giá. Hơn nữa, dù có muốn cũng chưa chắc mua được tầm này. Năm nay, tôi quyết định không làm bánh để bán nữa", chị Thu chia sẻ.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), người tiêu dùng cần cẩn trọng, đặc biệt là cần lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi mua hàng online. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã kiểm tra, thu giữ nhiều lô bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đáng chú ý, ngày 10/9, Đội 4 Phòng Cảnh sát môi trường cùng đơn vị phụ trách địa bàn của Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 1, ngõ 72, đường La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức, do ông Nguyễn Quang Thạch là chủ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định tại đây có 11.130 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản thu giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và vận chuyển tiêu thụ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng trên thị trường, góp phần đảm bảo thị trường ổn định, người tiêu dùng mua sắm an toàn trong dịp Tết Trung thu 2021, Tổng cục đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra địa bàn.

 
 
 
 

Khi chọn mua bánh Trung thu, người tiêu dùng nên chọn bánh ở các địa điểm bán uy tín, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm... Không nên mua sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh "tiền mất tật mang", mua phải hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phạm Mạnh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/diu-hiu-thi-truong-banh-trung-thu-mua-covid-19-177288.html