Đồng Nai quyết giữ vững vị trí số 1 cả nước về xây dựng nông thôn mới nâng cao

09/01/2022 11:33

Kinhte&Xahoi Bất chấp ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, tỉnh Đồng Nai vẫn đang tiếp tục dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - bảo quản - chế biến sâu và tiêu thụ hàng hóa là một trong những giải pháp mang tính bền vững.

Để khích lệ tinh thần vượt khó, sáng tạo, năng động, dám nghĩ dám làm của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng mới ra văn bản về việc công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021, kèm theo số tiền thưởng công trình trị giá 1 tỷ đồng/xã (nguồn tiền thưởng trích từ ngân sách tỉnh). Theo đó, các xã: Phú Hòa (H.Định Quán), Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu), Phú Đông (H.Nhơn Trạch), Xuân Tâm (H.Xuân Lộc), Bảo Bình (H.Cẩm Mỹ) được trao bằng công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” đợt này.

Về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tại nơi được chọn làm điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước, tới thời điểm này, huyện Xuân Lộc đã có 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tin vui là mới đây, 2 xã Xuân Thọ và Xuân Định đã hoàn thành đầy đủ 19/19 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu theo đánh giá của đoàn thẩm định. 

Toàn dân một lòng ủng hộ chủ trương xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của tỉnh nhà.

Chủ tịch UBND xã Xuân Định Nguyễn Thanh Hương cho biết, toàn xã tuyệt đối không còn hộ nghèo theo chuẩn mới của tỉnh, thu nhập bình quân hơn 68 triệu đồng/người/năm. Nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả được hình thành, nhất là chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tại xã Xuân Thọ, theo Phó chủ tịch UBND Phạm Đình Nam, sau 2 năm thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, mọi thứ đã đổi khác. Các HTX, CLB chăn nuôi chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Nhà nông chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được cấp chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP. Nhờ đó, đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp thuận lợi. Thu nhập bình quân của nông dân hiện đạt hơn 68 triệu đồng/người/năm.

Đáng mừng là, nếu 2 xã trên được bỏ phiếu công nhận ngay trong tháng 1 này, Xuân Lộc sẽ trở thành địa phương có nhiều xã NTM kiểu mẫu nhất trên địa bàn tỉnh. Quan trọng hơn, đây còn là tiền đề để huyện sớm hoàn thành trước lộ trình trở thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025 và trở thành huyện NTM kiểu mẫu đầu tiên ở phía Nam, như mục tiêu nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra. 

Nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ, hiện toàn huyện tập trung nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, cải thiện giáo dục, y tế, hoàn thiện hệ thống điện, thủy lợi cho sản xuất; quy hoạch các vùng sản xuất, cụm công nghiệp chế biến để kêu gọi các dự án đầu tư vào nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - bảo quản - chế biến sâu và tiêu thụ hàng hóa. Nhờ đó, trên địa bàn huyện có 590 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm; hơn 50 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.  

Lãnh đạo huyện ủy Xuân Lộc nhiều lần khẳng định, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện sẽ không có điểm dừng. Các tiêu chí, chỉ tiêu sẽ liên tục được bổ sung, hoàn thiện và làm mới, cốt lõi là nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là thu nhập của người dân, kiến tạo H.Xuân Lộc thành nơi đáng sống.

Từ trước đến nay, Đồng Nai luôn là điểm sáng dẫn đầu xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu của cả nước. Năm 2021, dù sản xuất nông nghiệp chịu tác động nghiêm trọng từ dịch bệnh Covid-19, nhưng thu nhập bình quân của nhiều xã đạt chuẩn NTM nâng cao vẫn đạt trên 66 triệu đồng/người. Nâng cao mức thu nhập cho người dân là mục tiêu cao nhất mà cả hệ thống chính trị của tỉnh hướng đến trên hành trình xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, nhằm không ngừng cải thiện đời sống vật chất của người dân nông thôn. Để làm được điều đó, tỉnh đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn, nhất là đường giao thông, điện, thủy lợi… phục vụ sản xuất.

Giai đoạn 2008-2021, tổng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông thôn toàn tỉnh lên đến trên 930.000 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách chỉ 66.000 tỷ đồng chiếm trên 7%, còn lại là vốn tín dụng và vốn của doanh nghiệp, người dân. Những con số này quả là hết sức ấn tượng.

Nét nổi bật nữa là Đồng Nai từng bước chuyển đổi sang sản xuất lớn nhằm không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm nông nghiệp của người tiêu dùng trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp đang chuyển dịch nhanh chóng theo hướng công nghiệp với mô hình cánh đồng lớn, chăn nuôi công nghiệp.

Đáng chú ý, thu nhập bình quân của người dân tại các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đạt trên 66 triệu đồng/người/năm, cao hơn khoảng 5 triệu đồng so với thu nhập bình quân khu vực nông thôn của tỉnh. Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, Đồng Nai là tỉnh đông dân (hơn 3 triệu người) nhưng thu nhập của người dân nông thôn đạt mức cao so với mặt bằng chung. Chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả vượt bậc, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, từng bước làm giảm khoảng cách giữa phát triển vùng nông thôn với vùng đô thị.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, đến nay, toàn tỉnh có 61 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 xã đạt NTM kiểu mẫu. Trước đó, Đồng Nai là 1 trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh vào năm 2019. Thành quả đạt được liên tục nhiều năm qua là nền tảng vững chắc để địa phương phấn đấu đến năm 2025 tất cả các xã trên địa bàn sẽ đạt chuẩn NTM nâng cao, xây dựng huyện Xuân Lộc thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước.

 Đức Nghĩa -Hiếu Nghĩa - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dong-nai-quyet-giu-vung-vi-tri-so-1-ca-nuoc-ve-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-d174437.html