Dự án đường Vành đai 4: Nền móng vì một Vùng Thủ đô phát triển

22/06/2022 20:14

Kinhte&Xahoi Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội thông qua với đại đa số đại biểu tán thành. Từ thực tiễn tình hình giao thông của Thủ đô và các tỉnh lân cận, Quốc hội đã đồng tình triển khai dự án, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân. Dự kiến sẽ đưa vào khai thác vận hành vào năm 2027, đường Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ tạo nên không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô.

Tạo không gian phát triển mới

Tuyến đường Vành đai 4 sẽ kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong Vùng Thủ đô, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội.

Dự án đầu tư khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 1.341 ha, trong đó: Đất trồng lúa khoảng 816 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258 ha, đất dân cư khoảng 58 ha và đất khác khoảng 209 ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 85.813 tỷ đồng.

Ảnh minh họa: Phương Ngân.

Về tiến độ, Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Về nguồn vốn đầu tư: Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 14.250 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải giao về các địa phương để thực hiện Dự án. Trong đó: Thành phố Hà Nội là 8.400 tỷ đồng; tỉnh Hưng Yên là 3.740 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh là 2.110 tỷ đồng; cho phép sử dụng phần vốn Nhà nước tham gia tối đa là 66% sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án.

Nghị quyết của Quốc hội giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án. Dự án thành phần 3 được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt dự án thành phần 3.

Trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Đồng thời, trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án…

Ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng

Trước đó, khi thảo luận về chủ trương triển khai Dự án của Chính phủ, hầu hết các đại biểu Quốc hội phát biểu đều bày tỏ ủng hộ và đánh giá cao quyết tâm triển khai Dự án. Là địa phương có dự án đi qua, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) khẳng định việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của thành phố Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong vùng Thủ đô và cả nước nói chung.

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội của Quốc hội giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án. Dự án thành phần 3 được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt dự án thành phần 3.Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng Nghị quyết và quy định của pháp luật có liên quan; lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết, bảo đảm đúng mục tiêu, công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai Dự án.

Theo ông Thắng, việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 là hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội. Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị ở các tỉnh, thành phố trong vùng, giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô trở nên dễ dàng. Từ đây, một hành lang kinh tế rộng khắp sẽ mở ra, lấp đầy khoảng trống về địa lý, hình thành chuỗi liên kết kinh tế, gắn bó chặt chẽ từ vùng núi đến đồng bằng.

Để triển khai thực hiện dự án bảo đảm đúng tiến độ, ông Thắng cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là các địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư, nhà thầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho công tác giải phóng mặt bằng, vì diện tích giải phóng mặt bằng rất lớn, khoảng gần 1.400 hecta.

Đồng thời, làm tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân ở địa phương nơi có tuyến đường đi qua để nhân dân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng dự án để đồng thuận ủng hộ cho việc giải phóng mặt bằng, triển khai dự án. Quan tâm thực hiện tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của pháp luật. Hỗ trợ chuyển đổi nghề, phục hồi sinh kế để ổn định cuộc sống cho người dân đã giành đất cho dự án.

“Lối thoát” cho ùn tắc giao thông của Hà Nội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) nhìn nhận, đường Vành đai 4 gần như là một lối thoát cho ùn tắc giao thông của thành phố Hà Nội.

Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, vành đai 4 ra đời không chỉ là vành đai liên tỉnh mà còn là vành đai đô thị, đặc biệt là trục xương sống để tách giao thông liên tỉnh khỏi giao thông nội đô, giảm áp lực cho giao thông nội đô. Toàn bộ những chuyến quá cảnh, những chuyến trung chuyển sẽ qua Vành đai 4 để kết hợp với 6 cao tốc, 8 đường quốc lộ và 9 đường trục chính của Vùng Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đánh giá cao dự án Vành đai 4 khi những bài học liên quan đến cầu Thanh Trì, Vành đai 3 đã được rút kinh nghiệm, tính toán và áp dụng trong thiết kế, trong báo cáo tiền khả thi Dự án, đặc biệt là chủ trương giải phóng mặt bằng một lần toàn bộ các phần diện tích đất đai liên quan.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nhìn nhận, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô là đường cao tốc, nhưng khác hoàn toàn so với các tuyến đường cao tốc khác, đây là cao tốc của vành đai nên khi tuyến đường này hình thành thì chắc chắn khu vực lân cận quanh tuyến đường sẽ hình thành nên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối và đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng này.

Theo ông Cường, mới chỉ nghe dư luận là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này thì trong vòng vài 3 tháng qua đất đai ở khu vực này đã sôi động, giá tăng lên rất nhiều lần.

Vì vậy, cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai, nên quy hoạch đồng thời khu vực 2 bên đường, để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường và tổ chức đấu thầu các dự án này. Như vậy, vừa khai thác được nguồn lực, vừa tránh tình trạng phát triển tự phát sẽ tạo ra bất cập./.

Phương Thảo - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://laodongthudo.vn/du-an-duong-vanh-dai-4-nen-mong-vi-mot-vung-thu-do-phat-trien-141960.html