Dự án hệ thống cấp nước TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng: Dư luận chưa đồng thuận, vì sao?

26/08/2019 15:51

Kinhte&Xahoi Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư sử dụng vốn ODA của Đan Mạch trong dự án Kiểm soát tỷ lệ thất thoát nước sạch, nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, còn có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Bởi vì dự án (DA) có nhiều nghịch lý, chưa phù hợp với tình hình thực tế và đối tượng được lợi trong DA là người dân lại không đồng tình, do phải trả giá nước sinh hoạt cao gấp nhiều lần.

Hệ thống cấp nước thành phố Bảo Lộc.


Tổng mức đầu tư 448 tỷ đồng

Báo cáo đầu tư DA Kiểm soát tỷ lệ thất thoát nước sạch, nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Bảo Lộc của Công ty cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc (Công ty Bảo Lộc), gồm các nội dung: Cải tạo hệ thống cấp nước, xây dựng mới nhà máy lấy nước từ hồ Lộc Thắng tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, với mục tiêu là xây dựng nhà máy nước công suất 17.000m3/ngày đêm và hệ thống đường ống dẫn nước từ hồ Lộc Thắng về thành phố Bảo Lộc.

Theo đó, toàn thành phố Bảo Lộc hiện có khoảng 68,9 km ống phân phối cấp I và cấp II, có đường kính ống DN100-DN200, gồm ống gang, ống thép, ống PVC. Tuyến ống chủ yếu được lắp đặt trong khu trung tâm, thành từng khu cấp nước tương ứng với các giếng khoan bố trí rải trên địa bàn. Hệ thống mạng lưới mang tính cục bộ, đường kính tương đối nhỏ nên chỉ sử dụng làm mạng cấp II. Mạng truyền dẫn cấp I sẽ phải cải tạo, nâng cấp cho phù hợp với quy mô công suất mở rộng, sử dụng loại ống UPVC theo tiêu chuẩn ASTM 2241*BS3505 và theo ISO 4422*TCVN 6151, có đường kính từ DN 450 đến DN 200, chiều dài khoảng 27,4 km.

Cải tạo, nâng cấp mạng lưới ống cấp II, đường kính từ DN150 đến DN 100, sử dụng loại ống uPVC theo tiêu chuẩn ASTM 2241*BS3505 và DN100, sử dụng loại ống HĐPE, PN10. Tổng chiều dài khoảng 119,462km. Cải tạo, nâng cấp mạng lưới một phần mạng cấp III, dịch vụ hiện có đã sử dụng quá lâu gây rò rỉ, mở rộng vùng phục vụ cho khu vực 8 phường thuộc TP, mạng lưới có đường kính từ DN63 đến DN40, sử dụng loại ống HĐPE PE100, PN12,5. Tổng cộng khoảng 77km.

Theo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nhà máy sẽ hoàn thành vào năm 2021, giá bán nước khởi điểm là 12.790 đồng/m3, sau đó sẽ tăng theo lộ trình, trong khi giá nước hiện nay là 8.985 đồng. DA có tổng chi phí đầu tư là 448.499.302.622 đồng, tương đương 17.714.255 USD.

Sau khi nghiên cứu Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư sử dụng vốn ODA của Đan Mạch đối với DA Kiểm soát tỷ lệ thất thoát nước sạch, nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước TP.Bảo Lộc, do Công ty Bảo Lộc, là chủ đầu tư- một chuyên gia về ngành cấp thoát nước, nhận xét: Tại báo cáo hoạt động kinh doanh của Công ty Bảo Lộc, tính tới 31/12/2018 (hồ sơ kiểm toán) cho thấy:

1. Doanh thu: 25.364.302.276 VNĐ.

2. Lợi nhuận: 2.788.936.739 VNĐ.

3.Tiền gửi Ngân hàng: 1.392.168.107 VNĐ.

4. Tổng quỹ đầu tư phát triển: 1.944.184.290 VNĐ.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý các số liệu cần xem xét, đó là:

- Doanh thu bán nước là 105,946 tỷ đồng/năm (Trang 42-BCĐT) thì số liệu đúng là 55.742.439 đồng (= 4.358.283m3 x 12.790 đồng/m3).

- Lợi nhuận 49,557 tỷ đồng/năm (Trang 42-BCĐT), số liệu đúng: 6.020.183.473 đồng (= 55.742.439.570 đồng x 10,8%), lấy theo tỷ suất lợi nhuận của Công ty Bảo Lộc năm 2018.

Vấn đề mà dư luận quan tâm là, sản lượng nước được bán ra chỉ khoảng 4,4 triệu m3/năm và để thu về 106 tỷ đồng/năm thì giá nước phải ở mức 24.000 đồng/m3, chứ không phải giá 12.790 đồng/m3, theo như giá trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Về mặt hiệu quả của DA, nếu phải trả cả vốn lẫn lãi vay gần 50 tỷ đồng/năm thì DA không có đủ tiền để trả. Điều này mâu thuẫn với điều khoản cho vay của Hợp đồng tín dụng, trong đó vốn ODA là 367,107 tỷ đồng, phải trả hàng năm, bao gồm cả vốn lẫn lãi trong thời hạn 10 năm, vốn đối ứng là 81,392 tỷ đồng, vay với lãi suất thương mại phải trả trong thời hạn 13 năm.

Như vậy, Công ty Bảo Lộc không có đủ 47 tỷ đồng/năm để trả nợ hàng năm (trang 44-BCĐT). Số liệu trên đã thể hiện DA không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư, gây lãng phí nguồn nước và ưu thế của hồ Nam Phương, đưa tổng sản lượng cấp nước tăng lên 28.500m3/ngàyđêm, trong khi nhu cầu tiêu thụ nước chỉ khoảng 11.500m3/ngàyđêm.

Chuyên gia về ngành nước tỏ ra băn khoăn, nếu thực hiện DA, giá nước sẽ tăng thêm 35% so với hiện nay, đó là gánh nặng cho người dân TP.Bảo Lộc. Do đó cần xem xét, cân nhắc khi phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư sử dụng vốn ODA của Đan Mạch trong DA này.         

(Còn tiếp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

3.500 người dân khát khô bên công trình nước sạch bỏ hoang

Dù được đầu tư với tổng mức kinh phí 6.545 triệu đồng trong giai đoạn 1, nhưng chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng, Công trình nước sạch tại xã Hồng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đã bị bỏ hoang, người dân ở đây phải sử dụng nguồn nước giếng không đảm bảo.

Nguồn: KD&PL